10 năm trước, hơn 40 hộ dân của xã Tân Đức, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ) và 15 hộ dân vùng xuôi của huyện Hải Hà đã tình nguyện đến vùng biên giới xã Quảng Đức (Hải Hà) để lập nghiệp và thành lập thôn mới Tân Đức. Kỳ vọng biến vùng đất xa xôi, khó khăn này thành một vùng biên tươi sáng, giàu có, nhưng đến nay, sau 10 năm, hàng chục hộ dân đã tự ý bỏ về; nhà, đất bỏ hoang khiến cho thôn mới giữa vùng biên này ngày càng thêm xơ xác, tiêu điều.
Đầu tháng 9 này, khi tìm hiểu về việc triển khai thực hiện Đề án 25 của ngành Giáo dục huyện Hải Hà, chúng tôi được một đồng chí cán bộ của Phòng giáo dục huyện đưa đến điểm trường Tân Đức thuộc Trường Tiểu học Quảng Đức, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Trên đường đi đồng chí cán bộ Phòng Giáo dục kể: Khi mới thành lập điểm trường này có khá đông học sinh. Thế nhưng do người dân kinh tế mới ở thôn tự ý bỏ về quê vì thế số học sinh cũng cứ thế ít dần đi. Đến đầu năm học này điểm trường chỉ còn xấp xỉ chục học sinh. Do số lượng học sinh quá ít, cộng với khoảng cách từ điểm trường này với điểm trường trung tâm cũng (khoảng chưa đầy 3km), nên Phòng Giáo dục huyện đã quyết định đưa các học sinh ở đây về học ở điểm trường chính để các em có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, hiện điểm trường này vẫn còn một em học sinh do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ già yếu, nhà lại cách điểm trường chính tới gần 10km, nên Trường Tiểu học Quảng Đức vẫn phải bố trí 1 giáo viên “cắm bản” để dạy cho em.
Điểm trường Tân Đức thuộc Trường Tiểu học Quảng Đức, (Hải Hà), chỉ có 1 cô giáo và 1 học sinh học.
Sau gần 1 giờ đi bằng xe máy, chúng tôi cũng đến được thôn Tân Đức. Dọc tuyến đường dẫn vào trung tâm thôn, hai bên đều có rất nhiều nhà bị bỏ hoang, xung quanh nhà cây cối mọc um tùm. Tìm đến điểm trường Tân Đức, nhìn từ ngoài thấy ngôi trường được xây dựng khá kiên cố, có 2 phòng học và một phòng cho giáo viên, cũng giống như khung cảnh tĩnh mịch của thôn, không khí học tập trong ngôi trường khá yên lặng. Trong trường chỉ có một giáo viên, một học sinh. Thấy có người đến, cô, trò trong điểm trường mừng vui ra mặt. Cô giáo Vũ Thị Huệ chia sẻ: “Nguồn động viên để tôi yên tâm bám điểm trường là dù đi lại khó khăn nhưng hàng ngày em Tằng Ửng Múi, học sinh lớp 5 vẫn đến lớp rất đều và không bỏ buổi học nào”. Tuy nhiên, cũng theo cô giáo Vũ Thị Huệ, dù cố gắng bù đắp cho em bao nhiêu đi nữa nhưng nếu cứ để em học ở đây thì em vẫn sẽ thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có bạn cùng giao lưu, vui chơi để có thể phát triển toàn diện.
Chia tay cô, trò điểm trường Tân Đức, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Bình, Trưởng thôn Tân Đức. Trao đổi với chúng tôi, anh Bình cho biết: Năm 2005, khi mới được thành lập thôn Tân Đức có khá đông dân, với 56 hộ, 205 nhân khẩu. Tuy nhiên, do là vùng kinh tế mới nên thời gian đầu điều kiện để phát triển kinh tế ở đây rất khó khăn, thiếu điện, nước, giao thông cách trở... Do đó, không ít hộ dân chỉ sau một thời gian ngắn đã bỏ về nơi ở cũ. Trước thực tế đó, năm 2008 thôn cũng đã kiến nghị với chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh tuyên truyền để giữ dân bám đất. Nhờ đó, đến nay, hệ thống điện, đường, trường học của thôn đã được đầu tư khang trang hơn. Thế nhưng đến nay tình trạng “người ở, người đi” vẫn diễn ra, hiện toàn thôn chỉ còn 19 hộ là sinh sống ổn định. Cũng theo anh Bình: Nguyên nhân để người dân bỏ về hoặc đến vụ ra trồng rừng, xong lại về quê làm ăn là công việc của người dân không ổn định, cùng với đó, nhiều hộ dân có con cái đang trong độ tuổi ăn học, do đó họ muốn đưa về quê để học để có điều kiện tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phoòng Nhục Phí, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đức cho biết: Để giải quyết ổn thỏa tình trạng người dân tự ý bỏ về quê, xã cũng đã nhiều lần báo cáo về huyện bằng văn bản, để huyện báo cáo tỉnh. Căn cứ chỉ đạo của tỉnh, huyện cũng đã chỉ đạo xã thông báo cho các hộ dân nếu hộ dân nào không có mặt ở địa phương trong vòng 6 tháng sẽ thu hồi nhà, đất đã cấp để giao cho các hộ dân trong xã thực sự có nhu cầu. Tuy nhiên, việc thu hồi đất cũng rất khó khăn, vì giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất cấp cho các hộ dân thì người dân đã mang đi. Bây giờ muốn gọi họ về nộp lại sổ cũng rất khó vì hiện nay xã Tân Đức của tỉnh Hà Tây (cũ) đã thuộc về tỉnh Phú Thọ. Khó khăn hơn, một số hộ khi bỏ về không còn ở địa phương cũ, nên không biết ở đâu mà thông báo. Những khó khăn này không chỉ gây lãng phí đất đai do bị bỏ hoang, mà còn gây khó khăn cho xã trong việc thống kê, quản lý nhân khẩu.
Nguồn: baoquangninh.com.vn
Đăng nhận xét