Với việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp cho sản xuất có bước phát triển nhảy vọt. Trước thực tế đó, Hợp tác xã (HTX) có nhiệm vụ tạo cơ hội và phương thức phát triển kinh tế cho những người lao động đơn lẻ, những chủ doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, tập hợp lại với nhau để tạo ra sức mạnh mới, nhằm khắc phục khó khăn, tránh rủi ro trước những diễn biến bất lợi của thị trường. Với tư cách là một thể chế kinh tế đặc biệt, HTX không những có thể phát huy lợi thế và tiềm năng của mình mà còn góp phần khắc phục những khuyết tật của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, những bất cập trong thực tiễn hoạt động cũng như quản lý điều hành đã cho thấy kinh tế HTX còn nhiều hạn chế cần phải được tập trung tháo gỡ.


Xã viên HTX rau sạch Tân Đức vẫn phải “tự sản - tự tiêu” sản phẩm của mình mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ HTX.

Theo Luật HTX năm 2012, HTX là “tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”. Với nhận thức coi kinh tế tập thể là mô hình “tự trợ giúp” của người dân thì mối quan hệ, phương thức quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng phải đề cao và khuyến khích tính “tự lực cánh sinh” của kinh tế HTX. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tính “tự lực” của các HTX nhìn chung còn yếu; quy mô dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu ổn định; năng lực cạnh tranh hạn chế.

Là một trong những HTX điển hình về hiệu quả hoạt động, HTX Nông nghiệp – Điện năng Thụy Vân rất chịu khó mở ra những dịch vụ mới để phục vụ bà con xã viên. Những dịch vụ của HTX từ dịch vụ sản xuất, điện năng, đến dịch vụ môi trường đều có tỷ lệ lớn các hộ dân trong xã sử dụng. Ngay dịch vụ môi trường vốn dĩ là dịch vụ khó vận hành đối với địa bàn nông nghiệp nông thôn nói chung nhưng HTX Thụy Vân vẫn thu phí đạt tới 95% số dân trong xã với số thu bình quân khoảng 60 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là với số thu trên, sau khi trừ 50% chi phí trả lương công nhân thì số tiền còn lại chỉ có khả năng xử lý khoảng 2/3 số rác thải trong tháng. Như vậy số tiền còn thiếu cho riêng việc xử lý rác thải của HTX Thụy Vân vào khoảng 14 – 15 triệu/tháng. Và ngay cả khi đã được thành phố hỗ trợ 100 triệu đồng/năm thì số rác thải của địa bàn Thụy Vân vẫn không đảm bảo sẽ được xử lý triệt để. May mắn là ngoài những dịch vụ mang tính phục vụ như dịch vụ sản xuất, dịch vụ môi trường HTX Thụy Vân còn phát triển được thêm nhiều dịch vụ thương mại có thể mang lại nguồn thu để hỗ trợ cho việc thu gom xử lý rác thải. Khó khăn của Thụy Vân cũng là khó khăn chung của các HTX hiện nay, tuy nhiên không phải HTX nào cũng có nguồn thu đảm bảo hỗ trợ các dịch vụ công ích. Theo ông Tạ Xuân Tình – Kiểm soát viên HTX này: Nếu các HTX chỉ dựa vào các dịch vụ sản xuất thuần túy thì mới chỉ đáp ứng được yêu cầu phục vụ xã viên mà rất khó để phát triển. Muốn có được lợi ích từ thị trường thì HTX phải nâng cấp dịch vụ hoặc phát triển các dịch vụ mới. Chỉ khi mở rộng được dịch vụ thì HTX mới tăng được tính tự chủ, hay nói cách khác là có cơ hội để phát triển.

Để nâng cấp và phát triển được dịch vụ thì vấn đề tư liệu sản xuất cũng như công tác quản lý, điều hành cũng cần phải được tổ chức lại. Điều này vốn không hề dễ dàng với đa số HTX hiện nay. Bởi không chỉ đề cao tính tự chủ của HTX mà một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của mô hình kinh tế tập thể còn là đề cao tính tự lực cánh sinh của người dân. Người dân vào HTX vì thấy đây là sân chơi phù hợp, họ có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự tham gia quản lý hợp tác xã theo hướng mà họ mong muốn để hợp tác xã đem lại lợi ích cho họ, giúp họ cải thiện kinh tế, cải thiện cuộc sống của mình. Tuy nhiên vai trò của xã viên trong các HTX hiện nay còn khá mờ nhạt. Ngay cả ở HTX Thụy Vân với 2.165 hộ thành viên và dù số vốn góp thành viên cũng được 206.000 đồng/người, cao hơn hẳn so với mức quy định (100.000 đồng/người) nhưng rõ ràng với 400 triệu đồng đạt được số vốn góp của thành viên vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn hoạt động lên đến 9 tỷ đồng của HTX này. Hình thức góp vốn có thể bằng tiền, bằng ngày công hoặc bằng tài sản. Trong khi đó rất nhiều hộ dân ở Thụy Vân đã bỏ ruộng để đi làm trong các khu công nghiệp nhưng vẫn cương quyết giữ ruộng không giao cho HTX để cơ cấu lại diện tích đất sản xuất. Điều đó khiến cho Thụy Vân giống như nhiều địa phương khác là ruộng đất manh mún, thiếu tập trung khó để tổ chức sản xuất lớn. Rõ ràng vấn đề huy động nguồn lực đang là khó khăn chung của các HTX hiện nay. Không huy động được nguồn lực khiến các HTX thiếu đi sự năng động và tự chủ. HTX Nông nghiệp Tân Đức sau khi chuyển đổi mô hình đã có được tổng số vốn là 320 triệu đồng, trong đó vốn góp là 15 triệu của 660 hộ thành viên. Do chỉ thực hiện các dịch vụ sản xuất đơn thuần không đòi hỏi phải có nguồn đầu tư nên toàn bộ số vốn của HTX được gửi tiết kiệm lấy lãi suất chi trả phụ cấp hàng tháng cho ban điều hành. Trong khi nhiều HTX thiếu vốn hoạt động thì cũng không ít HTX lại không biết sử dụng vốn vào việc gì như ở Tân Đức.

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 427 HTX, trong đó: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có 268 HTX; công nghiệp, TTCN 44 HTX; điện năng 12 HTX; QTD 35 quỹ và 22 HTX thuộc các loại hình khác. Sau khi chuyển đổi dù nhiều HTX đã tích cực đầu tư theo chiều sâu, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị nhưng hầu hết các HTX mới chỉ dừng lại ở làm dịch vụ hỗ trợ đầu vào cho quá trình sản xuất như cung cấp cây, con giống (chiếm tới 95% HTX hiện có) mà chưa nhiều nơi triển khai được dịch vụ hỗ trợ đầu tư cho quá trình sản xuất như thu gom, bán sản phẩm, và việc điều tra nắm bắt thông tin thị trường của hầu hết các HTX đều hạn chế. HTX rau an toàn Tân Đức là một trong những cơ sở được tổ chức khá bài bản nhờ có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên sau 5 năm thành lập vấn đề tổ chức sản xuất ở HTX này vẫn rất phập phù dù trên thực tế việc tuân thủ yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất vẫn được các hộ dân ở đây đáp ứng nghiêm ngặt. Điều đáng nói là dù được hưởng những chính sách ưu đãi hơn hẳn khi tham gia vào HTX, nhưng các hộ dân trồng rau ở Tân Đức cũng không mấy mặn mà vào hợp tác. Hiện tại, HTX rau an toàn Tân Đức mới chỉ có 65 thành viên trồng diện tích 3ha trong tổng số 327 hộ tham gia chương trình trồng rau an toàn của Tân Đức với tổng diện tích rau lên tới 18ha. Sở dĩ người dân chưa muốn tham gia vào HTX bởi tính liên kết của HTX chưa cao. Hầu hết các hộ dân vẫn phải chủ động tiêu thụ sản phẩm mình làm ra mà không có được sự hỗ trợ từ phía HTX. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tân Đức cho biết: HTX cũng đã tìm kiếm nguồn bao tiêu sản phẩm cho xã viên nhưng vẫn chưa thành công. Các siêu thị lớn trên địa bàn có ký hợp đồng mua sản phẩm cho bà con nhưng sau khi ký kết thì "một đi không trở lại". Chính vì HTX không mang lại được lợi ích rõ rệt cho bà con nên hầu hết người trồng rau ở Tân Đức chọn cách "đứng ngoài" HTX. Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng thêm dịch vụ thu hoạch; áp dụng khoa học, kỹ thuật; tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả; tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới đang là yêu cầu cấp bách đối với các HTX hiện nay. Với HTX phi nông nghiệp đòi hỏi phải từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết giữa các hộ sản xuất, đảm bảo cung ứng vật tư, nguyên liệu, kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

HTX là một tổ chức kinh tế trong thị trường và phải tìm kiếm lợi ích từ thị trường mà phát triển. Chỉ có khắc phục những tồn tại trong quản lý điều hành cũng như tổ chức sản xuất thì các HTX mới mang lại được lợi ích cho xã viên, đồng thời cũng tìm kiếm được lợi nhuận từ thị trường. Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để kinh tế tập thể cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Nguồn: baophutho.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn