Cách đây hơn ba năm, khi triển khai các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm, phát triển nông nghiệp cận đô thị được chọn là một chương trình khuyến khích. Tuy số địa phương xác định tham gia vào chương trình không nhiều nhưng đến nay trên địa bàn đã bước đầu có các mô hình, cách làm mang lại kết quả, thể hiện chương trình có nhiều triển vọng.

Khi được hỏi về diện mạo mô hình kinh tế cận đô thị, một đồng chí lãnh đạo huyện Lâm Thao nói vui: Đó là nền nông nghiệp làm ra sản phẩm hàng hóa để bán cho đô thị. Dù cách tổng quát ấy còn nôm na, chưa đánh giá hết nhưng cơ bản song mọi người đều tương đối thống nhất cho rằng nông nghiệp cận đô thị là sản xuất hàng hóa xanh, sạch, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng cao cấp. Dù chưa tổng kết thành chương trình song trong tiến triển xây dựng thành phố, từ lâu Việt Trì, thị xã Phú Thọ đã có nhiều dự án, chương trình phát triển các mô hình sản xuất xanh, sạch như rau an toàn, cá, thịt để phục vụ thị trường đô thị. Trong đó đáng kể nhất là các vùng sản xuất rau xanh xã Tân Đức (Việt Trì), xã Trường Thịnh (TX Phú Thọ), một số thôn quanh thị trấn Lâm Thao... Đây được coi là tiền thân mô hình phát triển nông nghiệp cận đô thị. Gần đây vùng rau an toàn tiếp tục được xây dựng mở rộng ra các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Thủy… Đồng chí Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: Với lợi thế xã ven đô, lại ở ngay bên bờ sông Hồng từ lâu nhân dân Tân Đức coi trồng rau bán cho nội thành Việt Trì là nghề chủ đạo, có điều trước đây việc sản xuất, canh tác, tiêu thụ chủ yếu theo cách truyền thống, người ta áp dụng mọi biện pháp làm sao có năng suất, sản lượng rau cao nhất mà ít chú ý đến vấn đề an toàn. Từ ba năm nay đã thông qua các tổ chức bảo vệ thực vật, hội người tiêu dùng tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nên hiệu quả cao, ổn định hơn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp hiện nay cả tỉnh có trên chục địa phương được quy hoạch với diện tích khoảng 200 ha để trồng rau an toàn.

Khởi đầu sản xuất hàng hóa xanh, sạch mới chủ yếu tập trung ở cây rau, thì gần đây đã được nhiều hộ nông dân vùng ven đô thị mở rộng sang lĩnh vực củ quả, cá, thịt thực phẩm tươi sống. Hiện nay toàn tỉnh có hàng ngàn mô hình trang trại phát triển các mô hình trang trại nuôi gà ri, gà nhiều cựa, lợn rừng lai, thỏ, nhím, ba ba, cá trê lai, cá lăng, cá trắm đen, trồng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, táo, na, hồng, trồng hoa… cung cấp cho nhu cầu đô thị. Tuy quy mô từng loại cây trồng, vật nuôi còn manh mún, mang tính tự phát song cơ bản hàng hóa đều mang tính đặc sản, tươi sống phục vụ cho yêu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng, cao cấp của đô thị và khai thác được thế mạnh về đất đai, lao động để tăng thu nhập. Nếu như giai đoạn trước nông nghiệp cận đô thị chủ yếu tập trung ở sản xuất nông sản tươi sống, đặc sản thì gần đây nhiều địa phương mở rộng sang lĩnh vực sản xuất lương thực quy mô lớn. Mở đầu vụ chiêm xuân 2011, xã Trưng Vương xây dựng mô hình sản xuất 50 ha lúa chất lượng cao bằng giống DS1, cho năng suất 61 tạ ha; tiếp đó vụ xuân 2013 Việt Trì đã nhân rộng lên 100 ha theo lúa chất lượng cao gắn với mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Tiếp nối thành công của Việt Trì, năm 2013 ngành nông nghiệp đã nhân ra các huyện Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông với trên 275 ha mô hình “cánh đồng mẫu lớn” bằng các giống lúa đặc sản. Qua thực tế sản xuất cho thấy mô hình không chỉ mang lại hiệu quả thu nhập cao hơn sản xuất lúa thường từ 3,5 đến 7 triệu đồng/ha, mà còn cung cấp khối lượng hàng hóa lớn. Đây là nét mới của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là tạo khối lượng hàng hóa tập trung, gạo chất lượng cao, giá bán cao hơn gạo thường từ 30-40% phục vụ cho yêu cầu tiêu dùng ngày một cao của nhân dân đô thị và những người có điều kiện thu nhập khá.

Trao đổi về phát triển chương trình nông nghiệp cận đô thị, đồng chí Cao Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao- địa phương đang triển khai mạnh mẽ mô hình cho biết: Phát triển nông nghiệp xanh, sạch có khối lượng hàng hóa nhiều, chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu đô thị là hướng đi mới cần quan tâm. Thời gian qua một số địa phương mới tính đến thị trường Việt Trì, trong tương lai cần tính toán thị trường xa hơn như Thủ đô Hà Nội, rồi yêu cầu đời sống xã hội toàn dân tăng lên. Để làm việc này, ngoài vấn đề tìm kiếm chọn lựa cây con đặc sản để sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ theo hướng liên doanh, liên kết thì vấn đề chính sách khuyến khích nhất là đất đai cho yêu cầu phát triển rất cần quan tâm. Vừa qua hầu hết diện tích đưa vào khai thác sản xuất còn rất manh mún, chưa phải đất chủ lực trừ trồng lúa, một số ít rau an toàn. Thời gian tới mỗi địa phương cần chọn lựa, bố trí quỹ đất thỏa đáng, có chính sách dồn đổi, giao khoán, thuê... hợp lý cho yêu cầu này, như vậy chương trình nông nghiệp cận đô thị mới mở hướng phát triển mạnh.

Nguồn: www.baophutho.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn