Những năm qua, hoạt động của các làng nghề trên địa bàn TP Việt Trì không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo những dấu ấn, bản sắc văn hóa cho mỗi vùng quê thông qua các sản phẩm từ nghề truyền thống , đồng thời góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Xưởng sản xuất mỳ sợi của gia đình anh Cao Đăng Duy là một trong những xưởng sản xuất mỳ khô quy mô lớn nhất Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô, với diện tích trên 400m2. Để đảm bảo sản lượng phục vụ nhu cầu thị trường, gia đình anh thường xuyên thuê thêm 4 – 5 lao động, với thu nhập bình quân 150 – 200 nghìn đồng/người/ngày, sản lượng mỗi ngày đạt từ 5 – 6 tạ. Nhờ sản phẩm làm ra đạt chất lượng, có thương hiệu và uy tín nên được nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận nơi mua và đặt hàng. Anh Cao Đăng Duy- Khu 9, xã Hùng Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ cho biết: “Nghề sản xuất mỳ gạo ở đây được duy trì quanh năm. Từ khi tham gia vào làng nghề, gai đình tôi được hỗ trợ vốn đề đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng và được chuyển giao công nghệ sản xuất mới. Và đặc biệt, với uy tín của làng nghề, chúng tôi được tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng rãi hơn, sản phẩm có uy tín và chỗ đứng hơn trên thị trường trong và ngoài thành phố, thậm chí xuất khẩu ra cả nước ngoài. Chính vì đầu ra sản phẩm thuận lợi nên thu nhập của gia đình cũng tăng. Gia đình tôi rất phấn khởi và càng tích cực sản xuất để đảm bảo thu nhập ổn định”.

Cũng như nghề sản xuất mỳ ở Hùng Lô, nghề trồng rau đã xuất hiện ở Tân Đức từ lâu đời. Xưa kia vùng này là bãi Mộc ven sông nên đất nhiều phù sa, màu mỡ, rau lên xanh tốt. Hiện nay, trong làng nghề Rau an toàn Tân Đức có hơn 500 hộ dân, trong đó có gần 400 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích gần 20 ha trồng rau an toàn. Hiện nay, Rau an toàn Tân Đức đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng công nhận “Nhãn hiệu Tập thể” để kiểm soát chặt chẽ chất lượng và thiết lập hệ thống quản lý, xây dựng hệ thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm phát huy giá trị thương hiệu “Rau an toàn Tân Đức”. Ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng làng nghề Rau an toàn Tân Đức, TP Việt Trì khẳng định: “Bản thân mỗi người dân trong làng đều ý thức rất cao về việc trồng rau an toàn, từ khâu dọn dẹp vệ sinh quanh vườn, làm đất, sử dụng nguồn phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều phải làm theo đúng quy trình. Đặc biệt, chúng tôi chỉ sử dụng nước giếng khoan để tưới, bởi vậy mà chúng có vị ngọt trong và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Thành phố Việt Trì hiện có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận: làng nghề Chế biến Thực phẩm Đoàn Kết, xã Hùng Lô, Rau an toàn Tân Đức, làng nghề Hoa đào Nhà Nít, xã Thanh Đình và làng nghề Bánh trưng, bánh giày làng Xốm, xã Hùng Lô. Cùng với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề truyền thống, Việt Trì đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho các làng nghề, trong đó tập trung phát triển các làng nghề theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch, thông qua việc hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân vào đầu tư… Nhờ có hướng đi phù hợp nên các làng nghề phát triển ổn định, duy trì được mức tăng trưởng khá, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân cao gấp 2-3 lần lao động nông nghiệp.

Từ hiệu quả hoạt động của các làng nghề, thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, UBND thành phố sẽ thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn với nguyên tắc cơ bản là gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của ỉnh và Thành phố, phát huy thế mạnh từng địa phương và chú trọng bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng cường cho vay tín chấp để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở đến nguồn vốn ưu đãi; đồng tời đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồng thời chú trọng đến xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tại làng nghề tham gia nghiên cứu khoa học. Về chủ trương mở rộng, xây dựng thêm các làng nghề mới, ông Phan Thanh Dương- Trưởng phòng Kinh tế TP Việt Trì cho biết: “Từ nay đến năm 2020, cùng với duy trì phát triển các làng nghề hiện có, phòng sẽ tham mưu cho UBND thành phố phát triển thêm các làng nghề mới như: Làng nghề nấu rượu truyền thống xã Hùng Lô; Làng nghề xây dựng, cơ khí thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân; Làng nghề sản xuất rau quả an toàn và hoa chất lượng cao, xã Sông Lô và Làng nghề dịch vụ tổng hợp phục vụ Lễ hội Đền Hùng, xã Hy Cương”.

Với sự phát triển và hiệu quả của các làng nghề trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ góp phần tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo bước chuyển dịch về cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; góp phần xây dựng thành phố du lịch lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam./.

Nguồn: viettri.phutho.gov.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn