Khi những trang sách gấp lại, tiếng ve kêu râm ran trên những cành phượng đỏ, cũng là lúc các em thiếu niên, nhi đồng háo hức đón chờ một “sân chơi” bổ ích sau một năm học vất vả. Song hiện nay, tại khu vực thành thị và nông thôn vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ trong việc tạo sân chơi cho trẻ em trong dịp hè. Nhu cầu vui chơi của trẻ em chưa được đáp ứng thỏa đáng đã gây ra tâm lý băn khoăn đối với nhiều bậc phụ huynh mỗi khi hè về.
Có dịp về xã Tân Đức (TP.Việt Trì) khi cái nắng gắt của mùa hè đã trải rộng trên khắp đường làng, ngõ xóm, chúng tôi bắt gặp bọn trẻ không quản hơi nóng bốc lên hầm hập trên mặt đường bê tông vẫn ríu rít đạp xe nô đùa, rượt đuổi nhau.
Hè năm nay, Nhà thiếu nhi tỉnh đón khoảng 1.000 trẻ em tham gia các lớp năng khiếu. Con số này mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của các em thiếu nhi thành phố do Nhà thiếu nhi tỉnh chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên.
- Lớp học năng khiếu trống Đội.
Là một xã vùng ven bãi sông Hồng có diện tích trên 450ha nhưng đa số là diện tích mặt nước, chỉ còn lại 45ha đất ở của hơn 750 hộ dân. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rau, buôn bán và đi làm thuê. Công việc ruộng vườn, kiếm sống mưu sinh đã chiếm hết thời gian của các bậc phụ huynh, vì vậy, họ ít quan tâm đến việc vui chơi của con mình mỗi khi hè về. Tuy không gian để trẻ em nông thôn vui chơi rộng rãi nhưng lại chưa có “sân chơi” bổ ích. Các em chỉ biết chơi cùng nhau trên đường làng, ra bãi sông, triền đê, chăn trâu bò và những trò chơi dân gian xưa cũ, thậm chí các em còn chơi các trò nguy hiểm mà ở lứa tuổi các em chưa ý thức hết được như nhảy cầu, trèo cây, tắm sông, câu cá trên bờ sông nước lớn…, trở thành mối nguy hiểm đến tính mạng các em, thế nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn chủ quan trong khi đã được cảnh báo bằng những bài học từ những tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì những lỗi vô tâm của người lớn.
Ở các huyện miền núi vùng sâu vùng xa như Tân Sơn, địa bàn bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối, gây cản trở đối với hoạt động vui chơi của thiếu niên, nhi đồng. Mặt khác, hạn chế về điều kiện sinh hoạt Đội, những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết chế trong hoạt động hè cũng khiến cho bài toán về “sân chơi” cho trẻ vùng sâu, vùng xa chưa có lời giải. Qua tìm hiểu được biết, thực tế hiện nay tại các vùng miền núi, trẻ em gần như không có kỳ nghỉ hè của riêng mình, thay vào đó hàng ngày nhiều em phải lên nương rẫy lao động phụ giúp bố mẹ thu hoạch ngô, lúa, làm việc nhà, chăm sóc gia súc, gia cầm… Đồng chí Bùi Ngọc Tin - Bí thư huyện đoàn Tân Sơn chia sẻ: “Là vùng nông thôn miền núi, ban ngày trẻ em thường theo bố mẹ đi làm nương, đồng áng nên chúng tôi chỉ đạo các tổ chức Đoàn, Đội các xã cố gắng tổ chức sinh hoạt Đội cho các cháu vào buổi tối. Tuy nhiên, đội ngũ phụ trách thiếu nhi trên địa bàn khu dân cư thường xuyên biến động và hạn chế về kỹ năng công tác Đội, kỹ năng tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi cho nên một sân chơi bổ ích theo đúng nghĩa cho các cháu vẫn chưa được phát huy”. Mặc dù đã được các cấp bộ Đoàn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tích cực phối hợp với ngành giáo dục, nhà trường bàn giao học sinh về nghỉ hè; các anh chị phụ trách thiếu nhi ở địa bàn khu dân cư cũng đã chủ động tham mưu tổ chức các hoạt động, nhưng nhiều năm nay việc sinh hoạt Đội tại các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn chưa có những cải thiện rõ rệt bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là do tập quán sinh hoạt cũ của đồng bào dân tộc thiểu số, do nhận thức của các bậc phụ huynh chưa tạo điều kiện để con mình được vui chơi, giải trí sau một năm học vất vả.
Không riêng gì khu vực nông thôn, ngay tại thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì, thì sân chơi cho các em học sinh cũng vẫn bị hạn chế mặc dù nhà thiếu nhi, thư viện, khu vui chơi giải trí đã có song hoạt động rất cầm chừng và không phong phú. Các em vẫn dễ bị lôi cuốn bởi các trang mạng internet xấu, nạn game mang tính chất bạo lực ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của các em, nhất là các em đang ở lứa tuổi tò mò khám phá. Vì vậy, dù ở thành thị hay vùng nông thôn nếu các em vui chơi tự do mà không có sự kiểm soát từ gia đình thì dễ xảy ra hậu quả khôn lường. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 329 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, song còn nhiều trẻ em đang phải sống trong môi trường có nguy cơ bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực và ít có điều kiện được tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội. Năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ xâm hại trẻ em và tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại có diễn biến phức tạp không chỉ ở các vùng có trình độ dân trí thấp mà còn ở cả khu vực thành thị. Nhiều gia đình do buông lỏng quản lý con cái dẫn đến tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, bị tai nạn thương tích, xâm hại và các tệ nạn xã hội khác.
Hiện nay, nhìn chung việc đầu tư cho lĩnh vực vui chơi của trẻ em còn hạn chế. Các điểm vui chơi cho trẻ em ở thành phố tuy có khá hơn vùng nông thôn song vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của thiếu niên, nhi đồng. Đối với thành phố Việt Trì, Nhà thiếu nhi chính là “sân chơi” bổ ích chủ yếu cho các em mỗi dịp hè về. Nhiều phụ huynh cho con mình ra nhà thiếu nhi tham gia các lớp học đàn, hát, kèn, trống, aerobic, khiêu vũ và vui chơi bóng bàn, học võ… nhằm phát triển năng khiếu và tham gia vào các sân chơi bổ ích. Những năm qua, Nhà thiếu nhi tỉnh đã có nhiều cố gắng trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy các môn học năng khiếu, cũng như phát triển thể chất, song hiện nay hoạt động của Nhà thiếu nhi còn nhiều khó khăn. Anh Đặng Ngọc Thọ - Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh cho biết: “Được sự quan tâm của tỉnh, năm 2014, chúng tôi được nhận bàn giao tòa nhà Nhà văn hóa thành phố cho Nhà thiếu nhi quản lý và sử dụng. Song điều kiện cơ sở vật chất, các thiết chế hiện có đã xuống cấp và không phải dành cho hoạt động của thiếu nhi. Do vậy chúng tôi mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu học tập, vui chơi cho trẻ em thành phố. Mặt khác, khó khăn về biên chế giáo viên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các câu lạc bộ của Nhà thiếu nhi và các lớp học bởi bình quân mỗi dịp hè, lượng các cháu đến Nhà thiếu nhi học tập khoảng trên 1.000 cháu”.
Ở địa bàn miền núi, các khu vui chơi dành cho thiếu niên, nhi đồng gần như chưa hoặc không có. Mặc dù các trung tâm văn hóa đã có ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh, nhà văn hóa có ở các khu dân cư, song thực tế các “sân chơi” phù hợp với hoạt động của thiếu niên, nhi đồng vẫn còn hạn chế. Thiết nghĩ nhu cầu được vui chơi, giải trí của trẻ em - thế hệ măng non, tương lai của đất nước là cần thiết và chính đáng. Những năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em, song thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn. Để tạo một “sân chơi” ý nghĩa đòi hỏi sự chung tay, góp sức, phối hợp vào cuộc, quan tâm đầu tư nhiều hơn của các cấp, ngành, đoàn thể, gia đình, để các cháu thiếu niên, nhi đồng không chỉ được đắm mình trong vòng tay yêu thương của gia đình, của xã hội mà còn được tham gia vào các hoạt động vui chơi bổ ích mỗi dịp hè về.
Nguồn: baophutho.vn
Đăng nhận xét