Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa ông cha ta đã đúc kết “Cơm không rau như đau không thuốc”. Sự thực dù cuộc sống hiện đại đã đưa ra nhiều món ăn, cách ăn rất đa dạng, tỷ lệ rau trong cơ cấu bữa ăn có rất ít, thậm chí không có, nhưng không ai có thể liên tục nhiều ngày ăn cơm không rau. Dù nhà giàu, hay nghèo tỷ lệ rau trong cơ cấu bữa ăn đều chiếm tỷ lệ đáng kể. Là tỉnh trung du, miền núi điều kiện tự nhiên thuận lợi nên mùa nào thức ấy, trên địa bàn tỉnh không khan hiếm rau xanh, thậm chí còn dồi dào, phong phú. Ngoài các loại rau bình dân, phổ biến như rau muống, rau dền, rau cải… một số loại rau cao cấp cũng đang được sản xuất khá phổ biến.

Nếu xét về cung ứng, khả năng sản xuất để cung ứng Phú Thọ là tỉnh dư thừa rau xanh. Nếu trước đây việc sản xuất rau chủ yếu tập trung ở một số xã ven sông có quỹ đất mầu mỡ, nhân dân có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất thì ngày nay vùng rau đã mở rộng đến khắp các địa bàn. Không chỉ một số xã ở Lâm Thao, Việt Trì mà ở Phù Ninh, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Đoan Hùng… cũng hình thành những vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn (RAT). Ở huyện miền núi Yên Lập từ năm 2000 về trước, nguồn rau xanh chủ yếu trông chờ vào các xã ở Cẩm Khê và một số vùng tận Lâm Thao, thậm chí Vĩnh Phúc cung ứng, nhưng bây giờ đã có nhiều xã tham gia trồng rau hàng hóa. Khu vực thị trấn, xã Hưng Long, Đồng Thịnh đã hình thành những khu chuyên trồng rau, trong đó có cả rau cao cấp. Theo số liệu tổng hợp hiện nay mỗi năm toàn tỉnh trồng được trên dưới 10 ngàn ha rau xanh, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, thậm chí dư thừa xuất ra tỉnh ngoài. Có điều, rau nhiều nhưng tìm được lối ra và giúp cho người sản xuất rau an toàn sống được từ nghề trồng rau lại không đơn giản.

Xã Tân Đức (TP Việt Trì) chỉ có quy mô mặt bằng đất trên nửa cây số vuông cho gần 3000 khẩu sinh sống và sản xuất, còn lại là mặt nước sông Hồng. Đất chật, người đông, bà con nơi đây chọn cách trồng rau để mưu sinh. Do ở gần TP Việt Trì, dù khi còn là công dân của huyện Ba Vì, nhưng quanh năm người Tân Đức ngoài làm thợ, chăn nuôi gà, lợn… chỉ chuyên tâm trồng rau phục vụ cho nhu cầu của người dân thành phố với khối lượng rất lớn. Từ nền tảng ấy, từ năm 2008, Tổ chức VECO của Vương quốc Bỉ phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, TP Việt Trì triển khai dự án sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Đức. Sau bốn năm thực hiện, đến nay HTX RAT Tân Đức đã thu hút được hơn 370 hộ tham gia, quy mô gần 14 ha chuyên sản xuất RAT. HTX có 6 quầy chuyên bán RAT đặt tại các chợ trung tâm, mỗi ngày HTX đưa ra thị trường trên dưới 1 tấn rau an toàn cung cấp cho thị trường Việt Trì. Đặc biệt gần đây HTX đã tổ chức hội thảo giới thiệu RAT và mở quầy bán, cung cấp ổn định cho bếp ăn tập thể của Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Như vậy mô hình sản xuất và hiệu quả RAT của Tân Đức đã bước đầu thành công, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Song không phải tất cả nơi nào sản xuất RAT cũng được như vậy.

Hơn 4 năm trước, huyện Lâm Thao đã xây dựng mô hình sản xuất RAT tại bốn xã: Tứ Xã, Bản Nguyên, Vĩnh Lại, Cao Xá quy mô mỗi nơi 4 ha. Qúa trình thực hiện huyện đã mời nhiều chuyên gia của Trung ương, tỉnh về hướng dẫn, giúp xây dựng quy trình sản xuất. Huyện đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, tập huấn kỹ thuật. Đến nay đã có hai cơ sở là Tứ Xã và Cao Xá sản xuất tương đối thành công. Song để RAT đưa ra thị trường rất khó khăn, bởi tất cả đều bày bán ở chợ, ai cũng quảng bá là rau sạch, RAT, thực hư lẫn lộn. Rất nhiều địa phương khác trong tỉnh như An Đạo (Phù Ninh), Kim Đức (Việt Trì)… đều ở trong tình trạng tương tự. Khi trao đổi về vấn đề này đồng chí Cao Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao, người nhiều năm tham gia chỉ đạo xây dựng vùng RAT ở huyện cho biết: Nói sản xuất RAT khó hơn sản xuất bình thường là đúng, song không phải khó đến mức người nông dân, địa phương không thể làm được mà cái khó ở đây là đầu ra sản phẩm, có thị trường ổn định để người sản xuất yên tâm đầu tư. Đây quả là điều rất khó khăn không với rau mà nhiều loại nông sản.

Ông Tạ Kim Thượng, Chủ nhiệm HTX RAT Tân Đức cũng thẳng thắn thừa nhận: Dù đã tạo dựng được thương hiệu, có sản phẩm bán quanh năm ổn định nhưng thực tế số RAT bán qua quầy của HTX được người mua chấp thuận chưa nhiều, còn lại bà con vẫn phải bán như rau khác. Việc tiêu thụ như vậy giá cả không đảm bảo, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu song đây là thực tế vì trên thị trường số người chấp nhận và có điều kiện đến quầy RAT chưa nhiều. Để minh chứng cho điều này chỉ cần đến các điểm có giao thương thấy rõ, rau xanh chỗ nào cũng bày bán, thậm chí người bán hàng rong còn đưa đến tận cửa nhà người tiêu dùng và ai cũng quảng bá là rau sạch, RAT. Các xã ở Lâm Thao, Phù Ninh, xa hơn vùng rau Hạ Hòa… dù sản xuất theo cách an toàn hay truyền thống cuối cùng vẫn tiêu thụ theo lối cổ điển. Với cách tiêu thụ này giá RAT khó có thể vượt được rau thường, thậm chí vào thời điểm giá xuống thấp bán lỗ dưới giá thành. Nguyên nhân là do tình hình thị trường và tập quán tiêu dùng của người dân chưa được đổi mới. Hầu hết các gia đình ở nông thôn cũng như thành thị dù có điều kiện hay còn khó khăn đều chưa có tập quán tích trữ rau, tức là mua RAT khối lượng lớn để sử dụng nhiều ngày. Trong khi đó thị trường rau xanh lúc nào cũng sẵn, mua ít, mua nhiều, vào chợ hay qua điểm buôn bán, hàng rong… chỗ nào cũng mua được rau. Khi thị trường tiêu thụ quá dễ dàng, thoải mái như vậy việc đến đúng quầy, tìm đúng người có bán RAT là hạn chế. Ngay tại các quầy RAT của Tân Đức đặt tại một số chợ trung tâm thành phố thì số người mua không nhiều. Một vài siêu thị mở ra số lượng tham gia bán rau cũng rất khiêm tốn. Đây là nguyên nhân chủ yếu để RAT khó tiêu thụ, nâng cao hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của HTX Tân Đức cho thấy để gây dựng được thương hiệu, tìm được thị trường tiêu thụ ổn định là cả quá trình rất lâu dài, phức tạp, nhất là địa bàn tỉnh ta là thị trường nhỏ lẻ, phân tán. Để phát huy tiềm năng của RAT trước hết các địa phương cần quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau. Từng bước đầu tư hạ tầng, nâng cao trình độ để người sản xuất nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong sản xuất tiếp cận dần đến mô hình sản xuất RAT. Những địa phương đang xây dựng vùng RAT ở Lâm Thao, Việt Trì, Phù Ninh tiếp tục đầu tư, củng cố để định hình vùng RAT quy mô lớn, có nền nếp, có sản phẩm đủ tiêu chuẩn được cấp dấu chất lượng. Cùng với sản xuất từng bước củng cố, phát triển thị trường ở những khu vực tiêu thụ nhiều như các siêu thị, chợ trung tâm, khu công nghiệp, đơn vị vũ trang… có bếp ăn tập thể nhiều người ăn để tiêu thụ ổn định gắn sản xuất với tiêu thụ; có quy chế, biện pháp giao cho người tiêu thụ lẻ bán RAT theo tinh thần cùng chịu trách nhiệm. Một việc cần chú ý nữa là tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm. Hiện nay có tới 90% số người tiêu dùng chưa nhận biết và có khả năng tiếp cận thường xuyên RAT, do vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng biết tự mình lựa chọn, đến với RAT. Các cơ quan quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp sản xuất, tiêu thụ rau có nhiều dư lượng chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn: baophutho.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn