Nằm hoàn toàn ngoài đê, xã Tân Đức (thành phố Việt Trì) ở vào thế “đầu sóng ngọn gió” thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Bao năm đương đầu cùng ngập lụt, xói lở đã tạo cho chính quyền, người dân nơi đây tinh thần đoàn kết, cảnh giác cao độ, luôn chủ động phương án đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trước mùa mưa bão, ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của thiên tai, bảo vệ xóm làng, hoa màu…
Bờ kè ven sông bảo vệ xóm làng Tân Đức trong mưa bão nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
Trước khi sáp nhập, trở thành đơn vị hành chính của thành phố Việt Trì (năm 2008), xã Tân Đức có diện tích tương đối lớn với dân cư tập trung cả hai bên bờ sông. Nhưng rồi năm nào đất bãi cũng xảy ra sạt lở, nhà cửa, hoa màu tụt cả xuống dòng nước lũ cuồn cuộn. Người dân chán nản bỏ quê, dọn nhà đi nơi khác sinh sống. Có thời điểm do lũ lớn gây sạt lở đất nghiêm trọng, 350 hộ dân với 1.700 nhân khẩu của xã đã phải di dời qua nội huyện Ba Vì, về tỉnh Quảng Ninh, Đăk Lắc sinh sống. Năm 2002, toàn bộ bờ sông qua địa bàn xã được Chính phủ đầu tư xây dựng hệ thống kè kiên cố. Tuy nhiên do sông lớn, không có vật che, cản nên khi gió bão, nước chảy mạnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân sinh sống trên tuyến kè. Đến giờ người dân Tân Đức vẫn chưa thể quên được trận lũ lịch sử năm 2006. Mưa lớn, lũ thượng nguồn đổ về xoáy thẳng vào chân kè làm sụt lở cả mảng lớn. Không còn vách đá che chắn, đất bãi lở ầm ầm theo dòng nước dữ đe dọa đồng bãi, tài sản của dân cư đất bãi. Chiều muộn, lãnh đạo xã triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn bạc, tính toán phương án khắc phục tình thế. Ngay trong mưa bão, loa truyền thanh xã phát đi phát lại mệnh lệnh của Ủy ban nhân dân xã: Mọi công dân gác lại việc gia đình, tập trung huy động cao nhất sức người sức của cứu kè, giữ đất giữ làng. Khắp các đường làng ngõ xóm mọi người đổ cả ra bờ sông gánh đất đá, chặt tre, gỗ lao xuống điểm sạt lở. Xe ô tô, công nông chạy qua làng cũng được huy động. Tinh thần đoàn kết cộng đồng vì mục tiêu chung được phát huy, thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Không ai tiếc tre, diễn, cây gỗ trong vườn. Có gia đình vừa mua được mấy nghìn gạch chuẩn bị xây nhà đã hô hào anh em chất cả lên xe công nông đổ xuống lòng sông góp sức giữ kè…Gần chín giờ tối, sức nước giảm dần, bờ kè tạm ổn định không còn hiện tượng xói lở, cả làng mới thở phào, lau mồ hôi về nhà thổi lửa nấu cơm tối!
Tinh thần “sống chung với lũ”, sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão luôn được chính quyền, người dân Tân Đức chú trọng, đề cao. Ông Nguyễn Mạnh Thắng-Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: “Tân Đức có diện tích tự nhiên 454,08ha nhưng hơn 90% là sông và bãi cát non. Khu dân cư rộng 45ha với 725 gia đình, 2.800 nhân khẩu. 18ha đất vườn chủ yếu trồng rau màu. Trong tổng số 70 mẫu ruộng có 56 mẫu thuộc khu vực đồng Bo và Trắc Ngậm địa thế thấp, dễ bị ngập úng. Tuyến kè ven sông dài 1,1km tuy đã được đầu tư khắc phục ổn định sau trận sạt lở năm 2006 song vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố. 100% đường giao thông trong xã đã được đổ bê tông kiên cố, mặt đường nâng cao. Tuy nhiên, hệ thống rãnh tiêu thoát úng chưa được quy hoạch xây dựng đảm bảo. Công trình điện đang được thi công nâng cấp chưa hoàn thiện. Trên địa bàn còn nhiều nhà yếu, nhà thấp. Phương tiện chống lụt bão mới đạt 20% số hộ với 120 thuyền các loại, chủ yếu là thuyền cũ, yếu… Từ đặc điểm tình hình của địa phương trước mùa mưa lũ, chúng tôi đã xác định trọng điểm xung yếu: Trên đồng đảm bảo tiêu úng cho thu hoạch vụ xuân và gieo cấy vụ mùa kín diện tích không để ngập chìm lúa khu vực đồng Bo, đồng Trắc Ngậm. Bảo vệ tuyến kè, theo dõi diễn biến sự cố, kịp thời báo cáo và xử lý có hiệu quả đảm bảo an toàn khu dân cư trên tuyến kè. Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống truyền thanh trong mùa lũ. Chính quyền xã ưu tiên quan tâm giúp đỡ các gia đình có nhà ở thấp, yếu, các đối tượng chính sách, cô đơn, tàn tật, già yếu, hoàn cảnh khó khăn; tổ chức nhân dân sơ tán đến nơi an toàn khi có bão lũ lớn xảy ra; phòng tránh tai nạn rủi ro trên sông nước…”. Kế hoạch phòng chống lụt, bão, úng của xã đã được ban hành từ trung tuần tháng 4 với những nội dung công việc, nhiệm vụ phân công cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân. Công tác tuyên truyền vận động bà con nhân dân về nhiệm vụ phòng chống lụt bão, diễn biến thời tiết được chú trọng, tăng cường. Cán bộ xã được phân công bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở người dân nhanh chóng thu hoạch hoa màu khu vực mái kè và trong vườn; kiểm tra hệ thống thoát úng trong khu dân cư, triển khai nạo vét đường tiêu ruột đầm khu 1, khu 3, bờ giới Minh Nông; đôn đốc bà con khu 1, khu 4, lực lượng tuần tra canh gác, các hộ dân sinh sống trên tuyến kè đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện các sự cố sạt lở và ngăn cản các hành vi gây ảnh hưởng mái kè; kiến nghị Chi nhánh điện thành phố Việt Trì tiến hành kiểm tra giải phóng hành lang lưới điện, đôn đốc nhân dân tu sửa đường dây, cột, cọc; kiểm tra nhà cửa các đơn vị trường học, trạm y tế, trụ sở UBND, kịp thời tu sửa và có kế hoạch bảo quản tài sản, vật tư, tài liệu… Vật tư, phương tiện, nhân lực theo chỉ tiêu UBND thành phố Việt Trì giao đã được địa phương huy động đầy đủ với 1 ô tô, 2 thuyền máy, 120 thuyền nhỏ phục vụ chống lụt, 500 bó rơm. Hệ thống truyền thanh, điện thoại, máy phát điện, đèn pin, đèn phục vụ PCLB được chuẩn bị, kiểm tra kỹ lưỡng. Lực lượng tuần tra canh gác gồm 8 thành viên và lực lượng cơ động tham gia phòng chống lụt bão 50 người luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ…
Các phương án xử lý tình huống khi có lụt, bão, vừa lũ vừa bão, sạt lở kè, di dân khi có lũ lớn… đã được Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão xã tính toán kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân, tập thể, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra…
Với thiên tai, chẳng ai dám nói trước điều gì, ngay cả với xã “đầu sóng ngọn gió” thường xuyên gồng mình chống chọi lại bão lũ thành quen như Tân Đức. Nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của chính quyền và người dân, chắc chắc những thiệt hại trong thiên tai sẽ được hạn chế đáng kể. Nói như Chủ tịch Nguyễn Mạnh Thắng: “Dứt mỗi đợt mưa bão, anh em chúng tôi thường phân công nhau đến từng khu dân cư kiểm tra tình hình thiệt hại và cảm thấy nhẹ người khi có thể báo cáo nhanh với cấp trên: Thiệt hại không đáng kể!”…
Nguồn: baophutho.vn
Đăng nhận xét