Lịch sử lập làng

Có nhiều sự lạ người ta bắt gặp ở Tân Đức. Bị chia cách bởi dòng sông Hồng, nơi đứng chân, sinh cơ lập nghiệp nằm trên đất Phú Thọ nhưng mối ràng buộc về thủ tục, giấy tờ lại thuộc về Ba Vì của Hà Tây.

Những năm 1960 trở về trước, Tân Đức nằm sát bờ hữu sông Hồng (thuộc Ba Vì, Hà Tây) nhưng trải qua nhiều năm bị xói lở và bồi lấp, xã này dần bị dạt sang bên tả ngạn. Vì thế, dù vẫn thuộc địa giới hành chính của tỉnh Hà Tây nhưng vào thời điểm Quốc hội có quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, bao trọn toàn bộ diện tích tự nhiên của Hà Tây, thì Tân Đức lại phải “về” Việt Trì, Phú Thọ.

Diện tích tự nhiên của xã là 450,08ha nhưng tuyệt nhiên không có mét đất nào cấy lúa được. Khái niệm trồng trọt và nông nghiệp ở đây gắn với 24ha đất liền vườn và 25ha đất thâm canh. Dân Tân Đức vẫn nói đùa với nhau là “người Ba Vì làm ruộng Phú Thọ”. Cũng đúng thôi, bởi 25ha đất trồng lúa đó thuộc về 3 xã Cao Xá, Tứ Xã, Vĩnh Lại của huyện Lâm Thao. Mà ruộng cũng đâu có gần, cách xa 5km nên người dân cũng chỉ trồng hai vụ lúa, vụ đông coi như bỏ vì cứ nghĩ đến cảnh đi bộ 5 cây số chỉ để tưới nước cho đám ngô, khoai, sắn đã thấy bở hơi tai rồi.

Những năm 90 của thế kỷ trước, xã chủ trương giao cựu chiến binh trồng cây chắn sóng, tạo lắng để lấy đất làm nông nghiệp. Kết quả xã có một vùng đất bãi nổi khoảng 100 ha ngoài sông. Nhưng sau thời gian trồng mía không hiệu quả, xã giao cho cá nhân thầu lại, hiện giờ vùng này cũng chỉ trồng keo, bạch đàn và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 1997 – 2002, do biến đổi của dòng chảy nên sông cứ “ăn” mãi vào đất dân cư. Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Văn Nhương bảo rằng, năm lở nhiều nhất, cả một khu dân cư bị trôi xuống sông. Đến nay, xã vẫn còn 85 hộ dân bị mất đất buộc phải đi tá túc các nơi. Cho đến năm 2002, Chính phủ quan tâm, cho làm kè sông nên tình trạng lở đất cơ bản được khắc phục, nhưng cứ vài năm lại phải tu bổ, nếu không khó mà giữ đất.

Năm 2002, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã về đây, chia sẻ nguyện vọng của người dân muốn nhập vào Việt Trì và đã cho ý kiến chỉ đạo. Tân Đức cách Hà Tây một dòng sông nhưng chỉ cách Việt Trì có mấy bước chân. Khi tôi hỏi về những đổi thay sau khi tách khỏi Ba Vì, về với Phú Thọ, anh Nguyễn Văn Sâm – 45 tuổi, nhà ở khu 4 buông một câu: “Cũng chả có gì ghê gớm, ở đâu cũng được”. Còn bà Nguyễn Thị Lộc – 70 tuổi, ở khu 1 thì “Chẳng nhớ ngày nào nữa, hình như cũng đầy một năm thì phải”. Gặp bà ở triền đê lúc bà đang cắt cỏ, chăm mấy cây ngô, cây đậu trồng lắt lay bên bờ kè. Gõ gõ chiếc liềm xuống kè đá lởm chởm, bà bảo: “Anh thấy đấy, toàn đá thôi, có trồng được cây gì đâu”. Người già như bà vẫn hay hoài cổ: “Ba Vì chúng tôi lúc trước được ưu tiên hơn vì là… vùng sâu vùng xa, còn giờ là thành phố rồi, không còn được ưu tiên nữa. Giờ trong xóm có ai qua đời, vẫn cho về bên đó, chẳng gì ông bà mình cũng nằm cả bên sông mà. Sau này có về với tổ tiên, tôi cũng bảo con cháu đưa sang bên đó”.

Việt Trì vẫy gọi

Ngay sau khi Tân Đức về với Việt Trì, thành phố đã mở một hội nghị ngay tại xã, đủ các thành phần từ lãnh đạo thành phố đến các ban ngành, để nghe tâm tư, nguyện vọng của người Tân Đức. Cái kết luận số 83 được ông Nguyễn Mạnh Thắng – Chủ tịch UBND xã cất rất kỹ như một bằng chứng cho thấy sự quan tâm của chính quyền mới. Một loại các vấn đề được đặt lên bàn và sau 1 năm đã được giải quyết đáng kể: tiếp tục giải quyết cho 85 hộ dân mất đất, mở đường từ đê qua xã Minh Nông, thậm chí ngay cả nguyện vọng… xin một nghĩa trang cũng được chấp thuận.

Ông Thắng còn hồ hởi thông báo rằng, thành phố đã ưu tiên đưa dự án trồng rau an toàn cho xã thực hiện và phát huy hiệu quả. Mới đây thành phố còn bố trí cho một gian bán hàng tại chợ trung tâm Việt Trì. Rồi thành phố cũng đã quan tâm tới y tế, giáo dục của Tân Đức, đầu tư xây dựng trường lớp, trang thiết bị, đầu tư cứng hoá bê tông 100% đường GTNT. Học sinh không còn phải ngày ngày theo con đò sang Ba Vì đi học hoặc phải trọ học bên đó, cuối tuần mới về. Phụ huynh cũng không phải sang Ba Vì xác nhận cho con cái học ở Việt Trì nữa. Trước là xã vùng sâu, vùng xa, nay về Việt Trì thành xã ven đô, đi lại thuận tiện hơn nhiều. Cùng với vẻ mặt rạng rỡ niềm vui, trong câu chuyện với phóng viên, ông Thắng rất hay dùng từ “lịch sử”. “Lịch sử” lần đầu tiên xã có 11 em đỗ đại học, 12 em đỗ cao đẳng, điều mà trước kia có nằm mơ cũng không thấy. Trong thành tích này, nhà ông chủ tịch xã đã góp hai suất đại học. Hay như “lịch sử” từ chuyện năm đầu tiên Chủ tịch UBND thành phố về trường cấp II đánh trống khai giảng…

Nhưng chuyển sang vấn đề kinh tế, ông Thắng cũng không khỏi ưu tư: “Cái thế của xã không mạnh, dân ít, điều kiện tự nhiên khó khăn, nội lực yếu, thiếu nguồn thu. Biết vậy, thành phố chỉ giao thu ngân sách không đáng kể. Đó là chưa kể trong chủ trương chính sách phân bổ, cái gì ở Ba Vì thấp hơn thì thành phố cố gắng nâng lên”. Thế nhưng, người đứng đầu chính quyền xã vẫn thể hiện quyết tâm: “Xã không có tư liệu sản xuất nhưng có lao động. Cái cần là thành phố tạo dự án, hỗ trợ vốn, việc làm, có như vậy mới phát huy nội lực, không còn phải phụ thuộc thành phố nữa”.

Người Tân Đức vẫn sống bên sông, và cũng chưa thể một chốc bỏ đi chiếc thuyền, con đò. Nhưng cùng với nhịp đập của cuộc sống ven đô, những chiếc xe máy, ôtô sẽ thay thế. Cũng bởi chỉ một bước chân, họ đã sang Việt Trì.

Nguồn: banduong.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn