Nhiều trăm năm, dải phù sa miệt mài nhuốm đỏ, bồi đắp nên làng Mộc thắm xanh bên con sông Hồng quanh năm cuộn nước. Những năm tháng cuối cùng của thế kỉ 20, dòng sông bỗng nổi giận nuốt chìm quá nửa ngôi làng bình yên ấy, xoá tan cả tên làng trong bản đồ quần thể phía Nam thành phố Ngã Ba Sông. Và không chỉ có thế…
Ai ơi tính chuyện ông Giời…
Làng Mộc (Tân Đức, Ba Vì, Hà Tây) – tên làng nghe như bao tên làng khác có tự xa xưa nhờ con sông Hồng không mệt mỏi dềnh lên, rút xuống mà bồi nên. Dải đất màu mênh mông chỉ cách cầu Việt Trì 3km về phía thượng lưu đã mang duyên với người Hà Tây từ thế kỷ nào khi họ chèo thuyền vượt sông sang định cư mà tạo nên làng Mộc. Từ ấy, làng Mộc xã Tân Đức là địa bàn ngoại đạo duy nhất thuộc tỉnh Phú Thọ mang hành chính và lí lịch tỉnh Hà Tây đến tận bây giờ.
Đất bãi bồi trồng cây gì cũng dễ ăn, củ khoai, bắp ngô, cây mía to lẳn tròn, tươi tốt. Tính đến thời điểm năm 1996, xã Tân Đức có 805 hộ với tổng số 4.000 dân trên diện tích đất 327ha. Sức sống khỏe khoắn của một vùng đất bãi càng mạnh mẽ hơn khi hệ thống đường xá được cải trang, khơi rộng, đường điện và các công trình phúc lợi được lắp đặt, cải thiện như bao làng quê Việt theo nhịp sống mới. Nhưng tai họa bỗng một ngày nọ bắt đầu ào ạt kéo đến làng Mộc cũng chính từ con sông đã tạo nên làng – đất lở!
Chuyện đất lở ven sông không phải là hiếm ở nhiều vùng quê dọc các con sông lớn trên cả nước. Nhưng hoạ lở đất ở làng Mộc sẽ mãi thực sự là nỗi kinh hoàng cho người dân ở đây. Mùa nước lên vào tháng 7, tháng 8 năm nào đất ven làng cũng lở, nhưng lở mùa này thì lại bồi vào mùa kế sau, lành lặn và yên bình, thiệt hại chẳng là bao. Kể từ khi Thuỷ điện sông Đà định kì xả lũ, nước khi ấy cứ cuồn cuộn kéo về. Làng Mộc nằm chính rốn nơi sông Đà và sông Hồng hợp dòng, thế là nước ào thốc đến chân làng mà liếm điên cuồng như cho thoả cơn đói đất. Cả làng Mộc đang bình yên nay nháo nhác hò nhau chạy lở.
Những ngày đầu dân lùi nhà về phía sau. Nhà nọ nối tiếp nhà kia lùi dần, lùi vài chục mét không còn an toàn thì lùi vài trăm mét. Có gia đình đã ba bốn lần dời nhà chạy lở vẫn không tránh được con nước dữ. Nhà ngói, sân gạch khang trang bị phá dần chạy lở mà không có cách gì cứu được trước sức lở tự nhiên của đất và nước. Hoa màu, vườn tược, đất ở cứ ì ùm ngã xuống sông suốt đêm ngày, nghe mà rợn óc. Đêm đêm tiếng trống loa kêu gào chạy lở, cả một vùng dầm dập còn hơn cả động đất. Thời điểm lở mạnh nhất là vào tháng 10, tháng 11/2001 có khúc sông lở sâu vào tới 700m. Từ diện tích 327ha, làng Mộc chỉ còn 42ha với hơn 500 hộ còn sót lại phía sâu ven đê, thiệt hại ban đầu ước tính đã ngót 15 tỷ đồng. Lùi mãi cũng hết đất, dân kéo đi ở nhờ, hết nhà ở nhờ, dân kéo đến sân UB HTX căng lều, cắm lán, thảm cảnh cơ cực bao phần có lẽ người làng Mộc mới thấy hết.
Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương nỗ lực cùng nhau vào cuộc cứu dân, nhưng làm sao cho xuể. Theo chủ tịch xã Tân Đức, ông Đỗ Cảnh, mỗi gia đình dỡ nhà chạy lở được hỗ trợ 400.000 đồng. Kế hoạch di dân được Trung ương và tỉnh Hà Tây thực hiện sau những đợt lở mạnh năm 2001. Mỗi gia đình chuyển đi được hỗ trợ tổng cộng 10 triệu đồng. 150 hộ được chuyển tới các khu định cư mới tại khu Suối Hai, Ba Vì. 100 hộ đi lồng ghép vào các xã trong nội huyện. Hàng trăm hộ khác đã có kế hoạch di cư đến Quảng Ninh và tỉnh lân cận Phú Thọ.
Vẫn bên bờ vực lở?
Khó khăn mới bắt đầu chồng chất. Gói gọn trong 10 triệu đồng được hỗ trợ, những cư dân làng Mộc mới đến vùng đồi Ba Vì lo lắng, ngơ ngác. Chi ra 700 ngàn vận chuyển đồ đạc, đến nơi dựng ngôi nhà tạm, san đất hết cả chục triệu, họ bắt đầu cuộc sống mới với cách trồng trọt, chăn nuôi nơi đất núi khác hẳn với tập quán làm ăn vùng đất bãi bấy nay. Những hộ chuyển đến trước tháng 6/2001 còn kịp có lứa sắn thu hoạch đầu tiên chống đói, nhưng cây chè, cây công nghiệp khác còn phải dài ngày, dài năm mới có thu. 55 hộ mới đến còn chưa được giao đất phá rừng ngoài mảnh đất dựng nhà. Kế hoạch đi lồng ghép vào các xã trong huyện Ba Vì cũng không suôn sẻ vì dân ở đây chưa nhận đưọc tiền đền bù đất giao, thế là dân làng Mộc vẫn phải tạm bợ ở lại ngay trên đất quê nhà chờ được giải quyết. Tình hình khó khăn ban đầu ở khu định cư mới làm cho cuộc vận động di dân xã Tân Đức càng trở nên khó khăn hơn. Đôi mắt chủ tịch Cảnh ánh lên lo lắng và dường như mất phần tự tin vào kế hoạch di hàng trăm hộ dân đến Quảng Ninh và Phú Thọ sắp tới. Tính đến giờ phút này mới chỉ có 20 hộ đồng ý chuyển tới Quảng Ninh trong số 40 hộ theo kế hoạch năm 2002, nhưng nay đã là tháng cuối tháng 3/2003 mà kết quả còn như muối bỏ bể. Rõ ràng công tác tư tưởng quần chúng đã không được làm tốt ngay tại cơ sở. Tuy nhiên khó khăn này không thể đổ riêng cho cán bộ xã.
Đất canh tác của xã là đất bãi bồi nay mất gần hết. Dân đương nhiên đổ xô đi chợ buôn bán rau quả lặt vặt, xách hồ phụ xây bán sức lao động khắp nơi. Thành phố Việt Trì sau lưng đã trở thành nhà chứa trọ và nơi kiếm ăn của hàng nghìn người làng Mộc. Một ngày kiếm được mươi ngàn là quá tốt, lẽ nào ngồi chờ được hỗ trợ hoặc chết đói? Vì khó làm ăn ở vùng đất mới, nhiều người di cư đến Ba Vì nay lại quay lại quê cũ từ đó xuôi sang Việt Trì làm thuê, buôn bán vặt. Có lẽ đây là thời điểm thách thức năng lực cán bộ huyện Ba Vì và xã Tân Đức đưa làng Mộc qua cơn khó. Nhưng lực bất tòng tâm, lấy gì mà hỗ trợ dân có thể tiếp cận với cách làm ăn mới như làm nghề, trồng nấm, nuôi cá lồng…? Đã hơn 2 năm chìm trong cuộc sống thiếu đất, thiếu vườn, thiếu đầu tư, vài trăm hộ “may mắn” giời cho trụ lại đang tìm đường mưu sinh muôn lối. Trong làng, hầu như nhà nào cũng có người làm đi làm thuê, chạy chợ, không ai dám khẳng định việc di dân của Tân Đức bao giờ… tạm thành công!
Thảm hoạ đất lở cũng chẳng buông tha cả một dải ven sông kế tiếp về phía thượng lưu thuộc tỉnh Phú Thọ, đến nỗi nhà thờ giáo dân xã Nỗ Lực do Pháp xây dựng đến trăm năm nay chỉ còn cách mép vở lở vài chục mét, đe doạ khôn lường đến đời sống xã hội và kinh tế toàn vùng..
“Một lòng Thủ tướng – Những bàn tay dân” đổi dòng con tạo
Ngày 9/4/2000, Nhà nước đã triệu tập lãnh đạo hai tỉnh Phú Thọ và Hà Tây họp bàn về kế hoạch xây kè chắn lở, và thế là dự án dải kè dài hơn 4km đã được thực thi. Thủ tướng Phan Văn Khải đã trực tiếp về thăm và đánh giá tình hình địa bàn, ông quyết định cho xây phía trên đỉnh kè một con đường bê tông rộng 3m, nối liền dải sông hai tỉnh Hà Tây và Phú Thọ. Cả một dải kè vững chắc với chi phí xây dựng ngót nghét 30 tỷ đồng đã hoàn tất chỉ trong vài tháng. Dải kè đánh dấu đen vào kinh nghiệm cần phải đối phó kịp thời với sức mạnh khó lường của thiên nhiên. Thủ tướng cũng đồng thời quyết định cho nhập xã Tân Đức vào tỉnh Phú Thọ sau quý II/2002 để người dân không còn vất vả vượt sông đi giải quyết các vấn đề có liên quan đến giấy tờ hành chính, thậm chí, người chết cũng phải mang về chôn ở bên đất tỉnh Hà Tây, trong khi cuộc mưu sinh hàng ngày gắn chặt với đất Phú Thọ.
Người làng Mộc vui mừng khôn xiết vì có Đảng và Nhà Nước chăm lo, nhưng giá như dải kè được xây sớm hơn thì bao thiệt hại không tính được bằng tiền đã chẳng theo nước cuốn đi. Việc di dân tái định cư đòi hỏi năng lực quản lý quy mô và đầu tư khổng lồ, nay thiếu cả ý chí quyết liệt thì bao giờ đưa dân làng Mộc thực sự thoát lở? Vấn đề nan giải hôm nay ngoài việc tìm kiếm việc làm, ổn định tình hình, động viên di dân, làm yên một vùng xã tắc, Tân Đức còn phải vất vả nhiều nhiều năm nữa để nâng cao giáo dục – lĩnh vực mà xã được xem là yếu kém nhất trong địa bàn tỉnh Hà Tây.
Đăng nhận xét