Người dân xã Tân Đức, TP Việt Trì tỉnh Phú Thọ đang đưa hệ thống rau an toàn đến tay người tiêu dùng với tiêu chí: sạch và an toàn.

Nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn cho sức khỏe đang được người dân rất quan tâm. Để góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng, nhiều nông dân tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đây được xem là hướng phát triển có nhiều ưu thế và mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần tạo thương hiệu sản phẩm rau an toàn cho nông dân Phú Thọ. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch để bảo vệ bản thân và gia đình của nhân dân trong và ngoài tỉnh Phú Thọ.


Giống cà chua trái vụ được người dân xã Tân Đức, TP Việt Trì trồng theo mô hình rau an toàn.
(ảnh: Thu Hường)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 7 điểm phát triển thương hiệu rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap: xã An Đạo (huyện Phù Ninh), xã Sai Nga (huyện Cẩm Khê), xã Hương Nộn và Dậu Dương (huyện Tam Nông) và xã Tứ Xã, Thạch Vỹ (huyện Lâm Thao) và xã Tân Đức (TP Việt Trì).

Trong đó, xã Tân Đức TP Việt Trì là một trong những điểm trồng rau an toàn trọng điểm đã được người tiêu dùng biết đến. Bắt đầu thực hiện từ những năm 2008, người dân xã Tân Đức đã cùng nhau cố gắng, học hỏi những kỹ thuật tiên tiến để phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap.

Tại xã Tân Đức, TP Việt Trì mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap với 14 ha gốm các loại rau xanh như rau muống, bí đỏ, mồng tơi. cà chua, rau cải...chủ yếu trồng theo phương thức mùa nào rau đấy.

Theo ông Tạ Kim Thượng, Chủ nhiệm HTX Tân Đức cho biết: "Xã Tân Đức làm theo mô hình này được gần 10 năm, những ngày đầu còn gặp khá nhiều khó khăn bởi phải mất nhiều thời gian và công sức để học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật...Tuy nhiên, đến nay gần như các hộ gia đình đều thấy được những lợi ích mà mô hình này mang lại.

Vì chủ yếu các hộ gia đình trồng ngày trong vườn nhà nên tất cả đều làm theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu ủ đất, ủ phân đến kỹ thuật gieo trồng cho đến chăm sóc cây. Hơn nữa, người dân chỉ được dùng thuốc phun sinh học cho cây trồng nên cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe".

Nhờ kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kiến thức khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân ở đây đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, kiểm soát được thời gian phun thuốc trước khi thu hoạch, vừa hạn chế được sâu bệnh phát sinh gây hại, vừa nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.


Người dân xã Tân Đức thấy được những lợi ích mà mô hình này mang lại đặc biệt là vấn đề sức khỏe.
(ảnh: Thu Hường)

Theo ông Thượng và nhiều hộ trồng rau ở đây cho biết, trồng rau theo hướng Vietgap cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với kiểu trồng rau thông thường. Và điều đáng phấn khởi hơn là rau sạch, đảm bảo an toàn chất lượng được đến tay người tiêu dùng.

Bà Nhữ Thị Ngọc Anh - Chi cục trưởng Cục quản lí chất lượng Phú Thọ cho biết: "Dự án phát triển chuỗi rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap được tiến hành từ năm 2008, ban đầu còn gặp rất nhiều khó khăn do sự nhận thức của người dân cũng như điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Tuy nhiên đến nay, người dân đã đặc biệt chú trọng đến sức khỏe và vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, do đó người dân đã có nhiều thay đổi nhận thức về sản xuất rau an toàn..".

"Hiệu quả và lợi ích mà mô hình đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, như: Đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế, nên đa phần sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap phải bán tự do nên giá cả phụ thuộc vào thị trường", bà Ngọc Anh cho biết thêm.


Tuy nhiên, họ mong muốn các cấp chính quyền sẽ có những chính sách giúp người dân có được đầu ra cho sản phẩm và phát triển thương hiêu của mình.
(Thu Hường)

Bên cạnh đó, viếc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng quy trình Vietgap chưa rộng rãi, mới dừng lại ở các mô hình; nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm của Vietgap còn hạn chế.

Thêm vào đó, áp dụng quy trình Vietgap, người sản xuất phải đầu tư rất tốn kém, tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm một cách dễ dàng nên họ chưa mặn mà với tiêu chuẩn Vietgap.

Do đó, cần có sự hỗ trợ vốn giúp người nông dân phát triển sản xuất. Việc trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần được địa phương, các ngành chức năng quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để khuyến khích nhiều người tham gia sản xuất theo quy trình này.

Nguồn: phapluatplus.baophapluat.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn