Một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Dù việc ăn uống đã giản tiện hơn trước rất nhiều nhưng mâm cỗ ngày Tết bên cạnh thịt gà, giò, chả, canh măng, miến… vẫn không thể thiếu được món rau xanh. Trong bữa ăn thường ngày của các gia đình, loại rau nào cũng được nhưng trong mâm cơm ngày Tết, các loại rau được lựa chọn cầu kỳ hơn, cao cấp hơn như súp lơ, đậu Hà Lan, đậu cô ve, su su, su hào, cà rốt… Vào thời điểm này hàng năm, người trồng rau ở các địa phương lại tất bật chăm chút cho những ruộng rau của mình để kịp có lứa rau ngon bán vào dịp Tết.

Chị Hoàng Khánh Trang ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: “Ngày thường mâm cơm sử dụng loại rau củ nào cũng được, nhưng ngày Tết mâm cơm phải có màu sắc để thể hiện sự ấm cúng, đoàn kết trong gia đình. Màu đỏ của cà chua, màu vàng của cà rốt, màu xanh của rau còn có ý nghĩa mang lại sự vẹn toàn, an khang của năm mới. Do đó, cứ đến Tết là tôi lại lựa chọn rau củ cho mâm cơm kỹ lưỡng hơn”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 điểm phát triển thương hiệu rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là: Xã An Đạo (Phù Ninh), xã Sai Nga (Cẩm Khê), xã Hương Nộn, Dậu Dương (Tam Nông), xã Tứ Xã, HTX rau Thạch Vỹ (Lâm Thao) và xã Tân Đức (thành phố Việt Trì). Xã Tân Đức là một trong những điểm trồng rau an toàn trọng điểm đã được người tiêu dùng biết đến. Bắt đầu thực hiện từ những năm 2008, người dân xã Tân Đức đã cùng nhau học hỏi những kỹ thuật tiên tiến để phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.Ở đây mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn có khoảng 14ha gồm các loại rau xanh như rau muống, bí đỏ, mồng tơi. cà chua, rau cải... trồng theo phương thức mùa nào rau đấy.

Anh Nguyễn Văn Đại ở khu 3 cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 500m2 đất chuyên trồng rau. Cứ đến cuối năm là tôi tập trung vào trồng các loại như súp lơ, cà rốt, đậu cật lợn… để bán cho người dân ở Việt Trì trong những ngày Tết. Đây là những loại rau được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá bán khá cao. Hầu như cả xã đến thời điểm cuối năm đều trồng các loại rau như nhà tôi ”.

Trồng rau ở Tân Đức được áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP khoảng 10 năm nay. Trước đây, việc phát triển rau an toàn gặp khá nhiều khó khăn, chủ yếu do người tiêu dùng không thể phân biệt được giữa rau an toàn và rau không an toàn. Qua thời gian, đến nay, rau an toàn Tân Đức đã có chỗ đứng trên thị trường, có tem nhãn bao bì để truy xuất nguồn gốc. Giá sản phẩm tăng lên khiến người sản xuất yên tâm đầu tư; người tiêu dùng yên tâm vì rõ nguồn gốc, chủ yếu các hộ gia đình trồng ngay trong vườn nhà nên đảm bảo theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu ủ đất, ủ phân, kỹ thuật gieo trồng cho đến chăm sóc cây.

Hơn nữa, người dân chủ yếu dùng thuốc BVTV sinh học phun cho cây trồng nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhờ kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kiến thức khoa học - kỹ thuật, nhiều hộ nông dân ở đây đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, kiểm soát được thời gian phun thuốc trước khi thu hoạch, vừa hạn chế được sâu bệnh phát sinh gây hại, vừa nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng

Trồng rau để bán vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người dân vùng rau chú trọng. Nhiều hộ dân tập trung đầu tư giống, phân bón cũng như công lao động để mong chờ có vụ rau đông năng suất cao, được giá. Tuy nhiên, việc trồng rau tập trung cùng thời điểm với quy mô lớn sẽ tiềm ẩn những khó khăn khi tiêu thụ nông sản sau này.

Để hạn chế tình trạng lượng rau xanh được thu hoạch lớn khó tiêu thụ, rất cần có sự hướng dẫn, tư vấn của các tổ chức như HTX, làng nghề để điều tiết thời điểm trồng, thu hoạch phù hợp. Bên cạnh đó, người trồng rau cũng không nên chỉ tập trung vào vụ rau Tết mà cần chú ý tới thị trường những ngày sau Tết, nhu cầu rau xanh sẽ rất lớn theo quy luật nhiều năm nay.

Nguồn: baophutho.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn