Với quan điểm “ly nông bất ly hương”, nhiều thanh niên nông thôn hiện nay thay vì rời quê hương đi làm ăn xa đã quyết tâm gắn bó với địa phương, nỗ lực làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Họ thành công và đã trở thành tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu, đại diện cho ý chí, sức trẻ của thế hệ thanh niên ngày nay.
Anh Nguyễn Trung Dũng đã có hơn 10 sáng chế được bà con nông dân tin tưởng áp dụng.
Gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế khó khăn, anh Nguyễn Trung Dũng, sinh năm 1983 ở khu 5, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, sau khi tốt nghiệp cấp 3, thay vì chọn bước chân vào cánh cửa cao đẳng, đại học, anh lại đăng ký tham gia học nghề tại trường Trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Sông Hồng, chuyên ngành bảo trì, sửa chữa thiết bị cơ khí. Sau gần 2 năm học, ra trường bằng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, dưới sự hỗ trợ của gia đình, cùng những đồng vốn vay mượn, anh đã mạnh dạn thuê đất, dựng xưởng gần nhà. 9 năm gây dựng, từ chỉ đủ ăn, đến nay, mỗi năm, trừ chi phí, lãi từ 150 đến 200 triệu đồng, tạo việc làm cho từ 4 đến 5 lao động địa phương, với mức lương trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ sửa chữa, xưởng cơ khí của anh Nguyễn Trung Dũng còn được người dân quanh vùng biết đến bởi những sáng chế riêng. Anh cho biết: “Muốn thành công không nhất thiết phải đến những khu công nghiệp hay những thành phố lớn. Quê mình, người dân còn làm nông nghiệp nhiều lắm, sản xuất mỳ gạo hay trồng lúa đều cần đến những sản phẩm cơ khí, mà nghề này thì hiện chưa có nhiều người làm. Thêm nữa, làm kinh tế ở quê vừa gần nhà, vừa hỗ trợ tạo việc làm, dạy nghề cho anh em thanh niên địa phương”.

Cũng như anh Nguyễn Trung Dũng, anh Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1984, ở khu 4, xã Tân Đức, thành phố Việt Trì cũng quyết định lập nghiệp tại quê hương. Mặc dù đã gắn bó với nghề mộc gần 17 năm với nguồn thu nhập ổn định, nhưng Nguyễn Văn Dũng vẫn quyết tâm đầu tư sang cả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, trang trại của anh có hơn 10 con lợn, 10 con trâu, 15 con bò. Từ làm mộc và công việc chăn nuôi dựa trên vùng đất bãi quê hương, anh có thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Anh Dũng chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp nên mình có niềm đam mê đặc biệt ở lĩnh vực này. Nghề nào cũng vất vả, muốn thành công, trước tiên phải thực sự yêu thích, đam mê. Đối với nông nghiệp thì càng phải vậy, nản lòng thì khó mà thành công”.

Khởi nghiệp tại chính quê hương là hướng đi đang được khuyến khích, bằng ý chí, nghị lực, khao khát làm giàu và không sợ thất bại, nhiều thanh niên nông thôn đã có những thành công bước đầu. Các thế hệ thanh niên nông thôn hiện nay không chỉ mạnh dạn trong tìm hướng đi phát triển kinh tế riêng, chăm chỉ trau dồi, học tập kiến thức, kỹ thuật phát triển kinh tế; mà còn biết liên kết với nhau thành lập nên những câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế như: Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản, sinh vật cảnh xã Sông Lô, hợp tác xã dịch vụ thanh niên Thanh Đình…

Cùng với đoàn viên thanh niên thành phố, các thế hệ thanh niên nông thôn hiện nay đã và đang ngày một vươn lên, khẳng định mình trên rất nhiều lĩnh vực, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự phát triển kinh tế của gia đình nói riêng, của địa phương nói chung.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn