Năm 2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, riêng xã Tân Đức, thuộc huyện Ba Vì là địa phương duy nhất của “quê lụa” chia tách, sáp nhập về TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. 10 năm qua, Tân Đức đã có sự đổi thay mạnh mẽ cả về kinh tế-xã hội và diện mạo nông thôn, mang lại nhiều niềm vui, sự phấn khởi cho người dân địa phương.
Đổi mới dạy và học, Trường THCS Tân Đức đưa công nghệ trình chiếu vào giảng dạy ở tất cả các khối lớp.
Những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại xã Tân Đức, vùng bãi nổi của sông Hồng khi xưa. Con đường vào xã đã được mở rộng, nối dài hơn 2km từ địa phận phường Minh Nông vào trung tâm xã. Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Tịch, 81 tuổi ở khu 4, nguyên Bí thư Đảng bộ xã, người chứng kiến những đổi thay của Tân Đức. Ông Tịch nhớ lại: “Khi có chủ trương Tân Đức sáp nhập về thành phố Việt Trì, ở xã có hai luồng ý kiến. Một là cứ ở lại huyện Ba Vì, rồi sáp nhập về Hà Nội vì ở mãi thế, quen rồi. Luồng ý kiến thứ hai mà tôi là người ủng hộ, ở đâu thuận lợi cho phát triển thì sáp nhập. Khi Tân Đức chưa sáp nhập về TP Việt Trì, người dân xã chúng tôi đã mua các dịch vụ điện lưới, nước sạch, mã vùng điện thoại của Phú Thọ. Nếu về với Hà Nội, thì không chỉ giao thông đi lại cách trở mà ngay cả các dịch vụ sinh hoạt này cũng không thuận”.
Sự ràng buộc về địa giới hành chính được gỡ bỏ, những mối quan hệ kinh tế - xã hội ở xã được dịp phát triển mạnh mẽ hòa chung vào sự phát triển với các địa phương lân cận. Năm 2009, Tân Đức được TP Việt Trì triển khai dự án trồng rau an toàn, dưới sự tài trợ vốn từ tổ chức VECO, Vương quốc Bỉ. Theo đó, năm 2010 Tân Đức được UBND tỉnh công nhận làng nghề sản xuất rau an toàn. Đến nay, sau khi hoàn thành dự án, kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được người dân nắm vững và tiếp tục mở rộng vùng trồng rau an toàn trên 20ha và chuẩn bị công bố “Nhãn hiệu rau an toàn Tân Đức” vào năm 2018. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng sản lượng rau màu của xã ước đạt 1.200 tấn; thu nhập từ rau xanh đạt 12.650 triệu đồng. Cùng với đó là tuyến đường vào trung tâm xã được thành phố “rót vốn” đầu tư xây dựng trên 32 tỷ đồng và trạm y tế xã cũng được đầu tư xây mới và đã đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2009.
Đặc biệt, từ khi sáp nhập về TP Việt Trì, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục của Tân Đức đã có sự chuyển biến đáng kể. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được triển khai ở các cấp học. Đến nay, Trường Tiểu học và THCS đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Tỷ lệ học sinh các cấp đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và đỗ đại học cao hơn hẳn so với trước kia. Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục của Tân Đức từ năm 1997, chứng kiến nhiều sự đổi thay, cô giáo Đặng Thị Quyên - Phó hiệu trưởng Trường TH Tân Đức chia sẻ: “Khi mới về với Việt Trì, chúng tôi thật sự bị choáng ngợp về điều kiện cũng như mặt bằng trình độ của giáo viên lẫn học sinh của thành phố. Điều đó vừa tạo áp lực nhưng cũng lại là một cơ hội đối với chúng tôi để đổi mới và nâng cao hơn chất lượng giáo dục cho nhà trường. Vì thế, chính quyền, nhân dân cùng với thầy, trò nhà trường nỗ lực cố gắng từng ngày trong việc nâng cao chất lượng dạy và học với mục tiêu rút ngắn khoảng cách, trình độ phát triển của Tân Đức với các phường trung tâm”. Và thành quả cho nỗ lực của cô trò Trường TH Tân Đức là nhà trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia năm học 2012-2013. Nếu như trước đây, nhà trường chưa bao giờ có học sinh giỏi cấp tỉnh, chưa nói học sinh giỏi cấp Quốc gia, thì từ năm học 2012-2013 trở lại đây, nhà trường năm nào cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh và Quốc gia.
Đổi mới theo đà phát triển của thành phố là những điều dễ nhận thấy trong 10 năm qua ở Tân Đức. Không chỉ lĩnh vực kinh tế- xã hội, lĩnh vực an ninh-quốc phòng, xây dựng chính quyền cũng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, tỷ lệ giá trị kinh tế tăng thêm của xã trung bình đạt trên 10%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 11,5%, đến năm 2017 giảm còn 0,6%; xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Ngọc không dấu được niềm phấn khởi: “Trước đây, ở xã dường như chỉ có mỗi nghề trồng mía, nhà ở của người dân chủ yếu là lợp lá, nhà ngói chỉ đếm trên đầu ngón tay còn bây giờ, nhà cửa được người dân xây dựng khang trang, hầu hết đều được xây mới vài năm trở lại đây điều đó đủ cho thấy cuộc sống người dân trong xã ngày nay đã đổi thay nhiều so với 10 năm trước”.
Khi phương thức quản lý phù hợp, sự phát triển kinh tế- xã hội là điều tất yếu. Cũng như sự điều chỉnh địa giới để xã Tân Đức sáp nhập về Việt Trì, các quan hệ kinh tế - xã hội trở nên thuận lợi đã tạo đà cho phát triển. Chia sẻ niềm vui với Chủ tịch Đỗ Xuân Ngọc, của nguyên bí thư Nguyễn Tịch hay của nhiều người dân Tân Đức mà chúng tôi đã gặp gỡ, cho thấy cuộc sống người dân Tân Đức ngày nay đang đổi thay, hòa cùng nhịp bước đi lên cùng thành phố Việt Trì.
Nguồn: baophutho.vn
Đăng nhận xét