Thực hiện Nghị quyết số 14 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hai tỉnh Hà Tây và Phú Thọ, tháng ngày 10/7/2008, xã Tân Đức chính thức được bàn giao từ huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ) về TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đến nay, sau 10 năm, Tân Đức đã có sự đổi thay mạnh mẽ cả về kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn, mang lại nhiều niềm vui, sự tự hào, phấn khởi cho người dân địa phương.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành bao đời nay gắn bó với mảnh đất bãi ven sông này. Trước đây, do tập quán canh tác, gia đình ông vẫn canh tác theo hướng tự cung, tự cấp. Từ năm 2009, được triển khai dự án trồng rau an toàn, dưới sự tài trợ vốn từ tổ chức VECO, Vương quốc Bỉ nên Tân Đức trở thành làng nghề sản xuất rau an toàn. Đến nay, sau khi hoàn thành dự án, kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được người dân nắm vững và tiếp tục mở rộng vùng trồng rau an toàn trên 20ha và chuẩn bị công bố “Nhãn hiệu rau an toàn Tân Đức” vào năm 2018. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng sản lượng rau màu của xã ước đạt 1.200 tấn; thu nhập từ rau xanh đạt 12.650 triệu đồng. Ông Thắng cũng như 272 hộ dân của làng nghề vô cùng phấn khởi. Ông cho biết: “Trước đây, gia đình chúng tôi trồng rau theo quy trình tập quán truyền thống nên chất lượng và sản lượng đạt thấp. Từ khi về thành phố Việt Trì, tôi được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên sản lượng cũng như chất lượng tăng lên gấp nhiều. Nhờ đó, đời sống gia đình cũng ổn định và có điều kiện nuôi nấng được con cái học hành.”
Xác định xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng nên những năm qua, Tân Đức đã huy động các nguồn lực tranh thủ sự giúp đỡ đầu tư của thành phố và động viên nhân dân đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, y tế, giao thông, hệ thống thoát nước và nhà ở dân cư, phương tiện trang thiết bị phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống. Xã đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng học, nhà bếp, nhà vòm, công trình phụ trợ các trường học. Đến nay, cả 3/3 trường học của xã đã đạt chuẩn Quốc gia. Nhờ đó, chất lượng giáo dục không ngừng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân địa phương và các vùng lân cận.
Thực hiện Nghị quyết số 14 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hai tỉnh Hà Tây và Phú Thọ, ngày 10/7/2008, xã Tân Đức chính thức được bàn giao từ huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ) về TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khi sự ràng buộc về địa giới hành chính được gỡ bỏ, thì những mối quan hệ kinh tế - xã hội ở xã như được dịp phát triển mạnh mẽ hòa chung vào sự phát triển với các địa phương lân cận. Chủ trương đúng đắn đã được chính quyền và người dân Tân Đức chào đón với niềm vui mừng khôn tả. Ông Nguyễn Tịch - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức, TP Việt Trì giai đoạn 1991 - 2002 vui vẻ nói: “Trong những năm trở lại đây, diện mạo của xã đã thay đổi rõ nét. Từ khi đường làng, ngõ xóm còn chủ yếu là đường đất, trường học dột nát… nay tôi và con cháu chúng tôi đã được hưởng những công trình phúc lợi khang trang hơn rất nhiều, diện mạo như được “thay chiếc áo mới”. Nhân dân chúng tôi phấn khởi lắm”.
Từ một "xã đảo" của huyện Ba Vì, về Việt Trì, Tân Đức trở thành xã ven đô. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, Đảng bộ và chính quyền Tân Đức đã nhanh chóng xây dựng nghị quyết "chuyển hướng" để khai thác tiềm năng, đưa Tân Đức sớm thoát khỏi tình trạng "xã nghèo". Đổi mới theo đà phát triển của thành phố là những điều dễ nhận thấy trong 10 năm qua ở Tân Đức. Không chỉ lĩnh vực kinh tế - xã hội, lĩnh vực an ninh - quốc phòng, xây dựng chính quyền cũng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, tỷ lệ giá trị kinh tế tăng thêm của xã trung bình đạt trên 10%. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 12,1% thì đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,76%; và vinh dự là xã thứ 2 của thành phố về đích Nông thôn mới vào năm 2015. Khi phương thức quản lý phù hợp, sự phát triển kinh tế - xã hội là điều tất yếu. Cũng như sự điều chỉnh địa giới để xã Tân Đức sáp nhập về Việt Trì, các quan hệ kinh tế - xã hội trở nên thuận lợi đã tạo đà cho phát triển. Điều dễ dàng nhận thấy ở miền quê vốn được coi là “xã nghèo” này, là cuộc sống người dân Tân Đức ngày nay đang đổi thay, hòa cùng nhịp bước đi lên cùng Việt Trì trong tiến trình xây dựng thành phố du lịch lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định, sau 10 năm, Tân Đức hôm nay đã phát huy tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững. Giờ đây, Tân Đức đã là một cơ thể thống nhất hoàn toàn, mạnh mẽ và đầy sức sống. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với những gì đã và đang làm được, đặc biệt, chú trọng đến những thế mạnh, tạo cơ sở để từng bước xây dựng Tân Đức trở thành một đô thị hiện đại và xứng tầm trong lòng đô thị loại 1 - Việt Trì.
Nguồn: viettri.phutho.gov.vn
Đăng nhận xét