Mô hình trồng rau an toàn (RAT) tại xã Tân Đức, TP Việt Trì (Phú Thọ) không chỉ cung cấp RAT cho người dân khu vực TP Việt Trì và các vùng lân cận mà còn giúp người nông dân Tân Đức làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TTXVN

Dự án trồng RAT tại xã tân Đức được triển khai từ tháng 8 năm 2008 do tổ chức VECO của Bỉ hỗ trợ thông qua Phòng Kinh tế, thành phố Việt Trì. Giai đoạn đầu (2008-2010) dự án thực hiện thí điểm tại khu 2 và mở rộng tiếp sang khu 1, khu 3 của xã với 281 hộ tham gia trên diện tích trồng rau an toàn là 9,7ha. Giai đoạn 2 (từ năm 2011 đến năm 2013) dự án tiếp tục mở rộng ra tất cả 4 khu của xã, hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực sản xuất, chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm; thành lập HTX sản xuất, kinh doanh rau an toàn và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về RAT.

Xã Tân Đức hiện có 372 hộ nông dân thuộc 4 khu đủ điều kiện tham gia sản xuất RAT với tổng diện tích trên 13,6ha. Sau 4 năm triển khai, mô hình đã giúp người nông dân Tân Đức thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/sào (360m2)/năm, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng những thực phẩm thực sự an toàn. Chị Nguyễn Thị Vinh, khu 2 cho biết: Gia đình có hơn 700m2 đất, những năm trước trồng các loại rau như: bí, đỗ, cải,…nhưng sâu bệnh nhiều, thu nhập thấp. Từ năm 2009, gia đình bắt đầu trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ 17 - 20 triệu đồng/sào, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho các cháu ăn học.

Ông Tạ Kim Thượng, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tân Đức cho biết: Hiện HTX có 5 điểm giới thiệu sản phẩm RAT Tân Đức trên thị trường. Tại các điểm bán đều có dán mác RAT Tân Đức, có băng rôn, biển hiệu, bản đồ sản xuất của các hộ gia đình trong xã,…Sắp tới HTX tiến hành dán tem mác và mã số hộ sản xuất lên từng sản phẩm RAT để người dân thực sự an tâm và tin tưởng.

Để đánh giá về sản phẩm RAT, ông Lê Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết: Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Phú Thọ đã lấy 68 mẫu RAT tại Tân Đức để phân tích nhanh dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật và lấy 11 mẫu gửi phân tích tại phòng thí nghiệm của Cục BVTV. Kết quả cho thấy các mẫu đều không phát hiện thấy dư lượng thuốc BVTV hay kim loại nặng. Như vậy việc sản xuất RAT ở Tân Đức không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân trực tiếp sản xuất mà còn góp phần quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Ông Lê Toàn cũng cho biết thêm: Chi cục cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về Quy trình sản xuất RAT theo VietGAP, hiểu biết về thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật sử dụng an toàn, hiệu quả, phương pháp ghi chép nhật ký đồng ruộng, kỹ thuật thu hoạch, sơ chế bảo quản, đóng gói sản phẩm RAT; hỗ trợ xây dựng nhà lưới đơn giản, xây dựng vườn ươm...

Năm 2011, với sự tài trợ của tổ chức VECO, Chi cục BVTV đã phối hợp cùng các đối tác và các hộ nông dân triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất; nhận sản xuất bao bì, tem và tổ chức các hoạt động chứng nhận PGS cho sản phẩm RAT. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức được 9 cuộc hội thảo nâng cao nhận thức người tiêu dùng về RAT tại các xã, phường trọng điểm của thành phố Việt Trì; tổ chức cho người tiêu dùng thăm quan thực địa mô hình sản xuất và chợ RAT tại xã, Hội phụ nữ thành phố quan tâm chỉ đạo củng cố, thành lập và xây dựng quy chế hoạt động cho 4 nhóm RAT của xã.

Sự nỗ lực của nông dân Tân Đức và sự chung tay của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, mô hình RAT Tân Đức sẽ ngày càng mở rộng phát triển và khẳng định thương hiệu RAT Tân Đức. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy để cung cấp cho người tiêu dùng những thực phẩm rau an toàn, đảm bảo sức khỏe./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn