Nhiều năm mới có dịp về Việt Trì, những thay đổi về diện mạo của thành phố công nghiệp, trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của Phú Thọ có nhiều, nhưng chưa thực sự làm cho chúng tôi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, ngỡ ngàng và ấn tượng lại đến với chúng tôi bởi sự thay đổi tập quán canh tác rau của "Làng nghề truyền thống trồng rau" Tân Đức, nay thành làng nghề trồng rau an toàn (RAT)...
Làng ven đô Tân Đức, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng hơn 3 cây số. Hơn 500 hộ dân, với trên 3.000 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề trồng rau cung cấp cho thành phố Việt Trì; đường làng bê tông hóa, nhà xây, mái ngói san sát. Mặc dù chuyên canh rau, nhưng tất cả 4 khu hành chính của Tân Đức không có một ao. Nguồn nước dùng cho tưới rau phần lớn từ giếng khoan hoặc nước máy.
Nguồn thu nhập chính
Với vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ông Tạ Kim Thượng, Chủ nhiệm HTX RAT Tân Đức dẫn chúng tôi thăm quan 2 điểm bán rau ở chợ Thanh Miếu, chợ Trung tâm Việt Trì và một số hộ hộ trồng RAT. Tranh thủ thời gian, vừa đi ông Thượng vừa cung cấp thông tin: cả xã Tân Đức có 18ha trồng rau, trong đó có 14ha được chứng nhận đủ điều kiện canh tác RAT. Tổng số có 372 hộ trồng rau, trong đó đã có 272 là thành viên nhóm trồng RAT. Trung bình, sản lượng RAT của cả xã đạt trên 20 tấn/tháng, cao điểm đạt 40 tấn/tháng; bảo đảm cung ứng cho thị trường (Tp. Việt Trì) khoảng 15% nhu cầu. Thu nhập bình quân đạt khoảng khoảng 14 - 15 triệu đồng/sào/năm.
Khoảng 10 giờ, tại quầy bán RAT ở chọ Thanh Miếu - rất "khiêm tốn", phù hợp với quy mô của một chợ nhỏ trong khu dân cư - thỉnh thoảng có khách hỏi mua một vài cân rau. Một khách hàng cho biết giá RAT của quầy này cao hơn 2.000 đồng/kg so giá rau cùng loại ở những quầy rau thường. Tuy nhiên, họ vẫn mua, để yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm hơn. Vì thấy người bán rau có đeo thẻ, đủ tên tuổi, mã số (chứng nhận là bán RAT do chính họ sản xuất hoặc thu gom của các hộ ở Tân Đức).
Ở chợ trung tâm, quầy bán RAT "hoành tráng" hơn. Hàng ngày, khi đông chợ có đến 6 người đeo thẻ bán RAT ở đây. Cũng như ở cho Thanh Miếu, họ đều bán sản phẩm của nhà mình và sản phẩm thu gom của các hộ khác, cùng sản xuất RAT. Lượng rau ở chợ trung tâm được tiêu thụ nhiều hơn. Chỉ trong ít phút, chúng tôi chứng kiến hơn 10 khách hàng đến mua, với đủ các lứa tuổi, cả nam và nữ.
Ông Hà Tiên Sinh, một trong những hộ sản xuất RAT hiệu quả cao, ở khu 2, xã Tân Đức, cho biết: "Khi dự án vào Tân Đức, tôi thấy việc đưa khoa học kỹ thuật vào với đồng đất làm màu phát huy được hiệu quả. Dự án giúp tôi chọn được một số loại cây trồng phù hợp với đất đai và thời tiết. Trong đó có loại rau canh tác quanh năm. Khâu chọn giống cũng khác trước, dùng 100% giống do các công ty giống cung cấp, thay vì trước đây khi thu hoạch để lại cây già giống cho vụ sau…". Tuy nhiên, để canh tác RAT ông phải đầu tư ban đầu nhiều hơn, gồm lưới bảo vệ, máy bơm, hệ thống phun tưới, cột chống, tổng cộng hết khoảng 10 triệu đồng.
"Bà đỡ" cho rau an toàn
Xưa nay, nhiều thói quen, thậm chí là tập quán của con người, hoặc cộng đồng trong các lĩnh vực từ văn hóa tinh thần đến hoạt động sản xuất… thường không dễ thay đổi, kể cả đó là thói quen, tập quán không tốt. Nhưng tập quán canh tác rau truyền thống ở Tân Đức đã thay đổi một cách "ngọt ngào" khi nó được sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và tổ chức quốc tế.
Được biết, 2 năm đầu, địa phương không thu phí chợ ở các điểm bán RAT của nông dân Tân Đức. HTX lo tổ chức, sắp xếp vị trí, đầu tư xây dựng quầy bán rau tại các chợ. Thông qua các phương tiện truyền thông, cơ quan chức năng Việt Trì làm công tác tuyên truyền về lợi ích của sản xuất và sử dụng RAT. Chi cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Phú Thọ giúp tổ chức hệ thống giám sát để kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất đến tiêu thụ RAT.
Hệ thống này là mạng lưới giữa người sản xuất, người tiêu dùng và đại diện cơ quan chức năng quản lý trực tiếp của Nhà nước, thông qua 2 phương thức: tập huấn và làm việc theo nhóm (ngay trong nhóm có sự giám sát nội bộ, nhóm nòng cốt, lên kế hoạch và giám sát chéo với nhau). Chính quyền xã phối hợp với HTX giúp xây dựng sơ đồ các vườn trồng rau, đánh mã số tới từng vườn rau của các hộ để theo dõi, giám sát và xử lý khi có sự cố… Bên cạnh đó, các đối tác hỗ trợ người nông dân thay thế phân NPK và phân đạm, bằng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…
Theo bà Nguyễn Thị Đến, cán bộ của Tổ chức Vredesseilanden, tổ chức phi chính phủ Hỗ trợ phát triển Vương quốc Bỉ - VECO (có văn phòng quốc gia tại châu Phi, châu Á, châu Mỹ La Tinh và quan hệ hợp tác với 152 tổ chức khác), chương trình Phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững về RAT tại miền Bắc có mục tiêu hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại cấp địa phương và quốc gia. Trong đó, các nhóm nông hộ được hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại công bằng và ổn định để cải thiện thu nhập, nhưng vẫn bảo đảm duy trì an ninh lương thực.
Các chương trình của VECO Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và mức độ ảnh hưởng của nông dân, thông qua năng lực sản xuất, kiến thức và kỹ năng về thị trường, kết nối họ với các tác nhân trong chuỗi (các đơn vị hỗ trợ và người tiêu dùng). Các chiến lược can thiệp của VECO vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ, gồm: chè, RAT và gạo, tập trung vào nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về RAT, chất lượng và chủng loại của sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời, xây dựng hệ thống chứng nhận cơ sở hiệu quả và phù hợp với khả năng tài chính của người sản xuất, từng bước tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Về tiêu thụ sản phẩm, hiện VECO Phú Thọ đang giúp HTX RAT Tân Đức mở 6 điểm bán RAT ở các chợ: Thanh Miếu, Ván Ép, Minh Phương, Thọ Sơn và chợ Trung tâm Việt Trì. Trước mắt, chủ yếu thúc đẩy theo hướng tạo niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần giảm dần tình trạng "người khôn ăn rau dại". Ngày 24/9, tại Công ty Supe Phốt phát Lâm Thao, VECO phối hợp với công ty tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên về RAT, ký hợp đồng cung ứng rau với HTX Tân Đức (khoảng 150kg/ngày) và mở một điểm bán RAT tại công ty, để cung cấp cho người lao động của công ty.
Hương vị ngọt ngào
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch xã Tân Đức, cho biết năm 2008, Tân Đức bắt đầu áp dụng chương trình Phát triển nông nghiệp bền vững về RAT của VECO Việt Nam. Theo lộ trình, đến 2010 kết thúc giai đoạn 1 và đến hết 2013 kết thúc giai đoạn 2. Nếu đạt được những thành công nhất định thì kéo dài tiếp.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ, thực tế cho thấy, quy trình cấp chứng chỉ cho sản phẩm hiện có (VietGap) khá tốn kém, nông dân khó có thể tiếp cận. "Hệ thống bảo đảm có Sự tham gia" (gọi tắt là PGS) là một phương án phù hợp với những nông hộ sản xuất RAT hoặc rau hữu cơ quy mô nhỏ. Với hệ thống này, các bên có liên quan, bao gồm: người sản xuất, người tiêu dùng, người bán lẻ và cơ quan chức năng cùng thống nhất quy trình sản xuất RAT, trên cơ sở đó, xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ như phân tích thử mẫu sản phẩm tại phòng thí nghiệm, kết quả được công bố rộng rãi.
Tuy nhiên, hiện còn có những thách thức chính trong quá trình nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng: phần lớn người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng RAT đang được bán trên thị trường; chưa hiểu rõ về ảnh hưởng tiêu cực, mức độ nguy hiểm của dư lượng thuốc BVTV hóa học tới sức khỏe. Do đó, họ vẫn thường chỉ căn cứ vào hình thức của sản phẩm và sự tiện lợi mà mua rau thường (không phải RAT).
Ông Thắng tỏ ra băn khoăn với chúng tôi vì không mời khách đến nhà hàng "tử tế" để dùng cơm trưa, mà chỉ mời "cơm rau" tại nhà một nông hộ. Đúng với nghĩa đen của món "cơm rau". Các món luộc, canh, dưa, xào hoàn toàn bằng RAT mới thu hoạch ở vườn nhà (đương nhiên có một vài món thịt) sao mà tươi ngon, ngọt ngào. Nó ngọt ngào không chỉ chính các chất chứa trong rau, mà còn ngọt ngào bởi sự nhiệt tình, chân thành của những người dân nơi đây. Và hơn thế, chúng tôi còn cảm nhận được vị "ngọt ngào" về sự thay đổi tập quán canh tác truyền thống của một làng nghề trồng rau thành làng nghề trồng RAT ở Tân Đức.
Nguồn: vnbusiness.vn
Đăng nhận xét