Cần một chiến lược phát triển rau an toàn với quy mô rộng và đầu tư nguồn lực lớn, với những bước bài bản, dài hơi hơn để rau an toàn sớm “phủ” kín khắp các tỉnh thành trên cả nước, bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng cao của NTD.

Nhu cầu ngày càng tăng

Sau hàng loạt thông tin về rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc và phát hiện rau bẩn, nhiễm khuẩn ecoli trên một số loại rau củ trong nước, nhu cầu tiêu thụ rau sạch của người tiêu dùng (NTD) đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tiếp cận với nguồn rau an toàn hiện nay vẫn rất khó khăn và NTD cũng chưa có đủ kiến thức để nhận biết rau an toàn.


NTD khó phân biệt rau an toàn do đóng gói sơ sài

Một cuộc khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về nhận thức của NTD đối với rau an toàn tại 6 tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc) cho thấy: gần 90% người được hỏi đánh giá rau là quan trọng nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Tuy nhiên, số người nhận biết được rau an toàn lại không nhiều. Theo đó, phần lớn NTD vẫn cho rằng: rau có màu xanh tươi, mịn màng chắc chắn là rau an toàn mà không kể đến các yếu tố khác. Hơn 90% NTD không thể phân biệt được giữa rau an toàn và rau không an toàn bằng mắt thường.

Cũng theo khảo sát này, 39% NTD mua rau tại các chợ xanh, chợ cóc gần nơi sinh sống; tại các siêu thị, cửa hàng có ghi bán rau an toàn khoảng 14%, còn lại là các phương án như tự trồng, đặt hàng đưa tới nhà, mua của người bán quen, hàng xóm… Điều này cho thấy các khu chợ truyền thống vẫn là điểm tiêu thụ lý tưởng cho rau an toàn, dù thực tế là mặt hàng này đang bị “lép vế” tại đây.

Là người rất quan tâm đến rau an toàn, nhưng bà Phạm Ngọc Khuê (Ba Đình, Hà Nội) vẫn không thể duy trì thói quen sử dụng loại rau này, nguyên nhân là do khó tìm nguồn hàng ổn định và thuận tiện cho việc mua bán. “Tôi thường tiện đâu mua đó, chủ yếu là mua của gánh hàng rong hoặc chợ gần nhà. Thi thoảng có điều kiện ra siêu thị lớn thì cũng chỉ mua đủ dùng cho 2-3 bữa”, bà Khuê nói.

Cùng chung tâm lý muốn sử dụng rau an toàn, nhưng phần lớn NTD hiện nay vì nhiều lý do nên phải “khuất mắt trông coi” để sử dụng những loại rau quả không rõ nguồn gốc. Chị Đinh Thị Thắm (phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, giá rau an toàn bán trong quầy thường cao hơn so với ở ngoài từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, là mức chấp nhận được. “Nhưng rau an toàn có ít loại, kém đa dạng nên chủ yếu tôi vẫn phải mua rau ngoài để thay đổi bữa ăn cho phong phú”, chị Thắm giải thích.

Thừa nhận các chủng loại rau an toàn hiện nay còn quá “nghèo nàn”, chị Lê Thị Thanh, một hộ bán rau an toàn tại chợ Tân Đức, TP. Việt Trì cho hay, hiện sạp của chị đang bày bán 6 loại rau, hàng ngày tiêu thụ hết khoảng 40-45 kg, song chỉ tập trung vào các loại rau cải. Theo chị Thanh, trung bình giá các loại rau phổ biến như cải ngọt, cải canh thường cao hơn ở ngoài khoảng 2.000 đồng/kg nên dễ tiêu thụ, tuy nhiên có những loại như đậu đũa (18.000 đồng/kg) cao hơn 5.000 đồng so với ở ngoài nên thường ít được ưa chuộng hơn.

Vẫn… tin nhau là chính!

Hiện đã có khá nhiều dự án trồng rau an toàn được triển khai tại các tỉnh như Hà Nội, Lạng Sơn, Bình Dương, Hà Giang… song do quy mô nhỏ nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của NTD. Đơn cử như Tổ chức Veco Việt Nam - một tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững đang thực hiện Dự án phát triển chuỗi rau an toàn tại xã Tân Đức (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Toàn xã hiện có 372 hộ sản xuất, với 18,5 ha trồng rau, trong đó 14 ha đã được chứng nhận là rau an toàn, sản lượng thu hoạch trung bình 30 tấn/tháng. Tuy nhiên, dù chỉ tiêu thụ trong TP. Việt Trì, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu của người dân tại đây.

Bên cạnh đó, vì diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ, nên những dự án này vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chí chất lượng rau an toàn. Chị Nguyễn Thị Đến, đại diện của Veco tại Phú Thọ cho biết, nếu chiểu theo các quy định của VietGAP thì không thể đảm bảo rau trồng của các hộ trong dự án này là an toàn 100%, dù qua kiểm tra các chỉ số về thuốc bảo vệ thực vật đều bằng, thậm chí là thấp dưới ngưỡng cho phép.

“Điều này là do những hạn chế khách quan. Chẳng hạn theo quy định vùng trồng rau an toàn phải cách xa khu dân cư, nhưng hiện nay rau đang được trồng trong chính khu vực của từng nhà dân”, chị Đến phân tích. Đối chiếu với 18 quy định về chất lượng của VietGAP thì quy trình trồng rau của các hộ dân trong dự án này đang đáp ứng khá tốt. Chẳng hạn, 100% nguồn nước sử dụng để tưới rau là nước giếng khoan hoặc nước máy; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc lượng cực kỳ thấp; đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch; không dùng phân tươi, chỉ dùng phân vi sinh và phân chuồng hữu cơ… song để đạt chuẩn quốc gia thì vẫn còn một khoảng cách quá dài.

Ngoài ra, việc phân biệt rau an toàn cũng đang “đánh đố” NTD bởi quy trình sơ chế, đóng gói chưa có tiêu chuẩn, quy cách riêng. Chị Đến cho hay, theo quy định ban đầu người trồng rau phải có dây buộc và nhãn mác riêng để phân biệt rau an toàn với các loại rau khác, song vì giá của loại rau này đã cao hơn so với rau thường, nếu phải thêm dây buộc, nhãn mác theo đúng quy định sẽ càng đội giá lên cao. Vì vậy cho tới nay, người bán vẫn sử dụng lạt, rơm để buộc và rau cũng để “lộ thiên” chứ không có bao gói như quy định nhằm tiết giảm chi phí.

“Có thể phân biệt rau an toàn bằng mắt thường, như màu rau không xanh mướt và đẹp mắt mà hơi cằn, cọng rau cứng hơn do được bón ít đạm và thuốc kích thích tăng trưởng”, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ nhiệm HTX Tân Đức giải thích. Bỏ qua thắc mắc về việc nhận biết đầy cảm tính và thiếu cơ sở chắc chắn này, ông Thành cho rằng, các hộ bán rau ở đây đều là người đã có thâm niên, uy tín, nên chủ yếu vẫn mua bán bằng niềm tin là chính.

Thế nhưng, dù kém đa dạng và chưa có những dấu hiệu nhận biết chắc chắn, song cho đến nay, các sạp bán rau an toàn của HTX Tân Đức vẫn tiêu thụ đều đặn tại các chợ quanh TP. Việt Trì. Tuy nhiên, ông Thành cũng hiểu rằng sản lượng hiện nay còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực sự của người dân. Nhưng để mở rộng sản xuất lại là một bài toán khó đối với các hộ nông dân của xã Tân Đức, bởi kéo theo điều kiện sản xuất hạn chế hiện nay là vô số hệ lụy: chưa có điểm bán rau an toàn tập trung và được bảo vệ thương hiệu, chưa có nguồn tiêu thụ lớn và ổn định lâu dài, khó đáp ứng nhu cầu đa dạng của NTD vì chủng loại nghèo nàn… Chưa kể trồng rau sạch mang lại lợi nhuận không đáng kể, trung bình khoảng 25-30 triệu đồng/năm cho mỗi hộ.

Còn nhớ thời điểm cùng kỳ năm ngoái, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề ra kế hoạch, đến năm 2013, Bộ sẽ đầu tư 9 tỷ đồng cho dự án "Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP" tại 9 địa phương: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Ninh Thuận. Theo đó, trong 3 năm thực hiện dự án sẽ xây dựng 9 mô hình tại 9 tỉnh/thành áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để sản xuất được 7 loại rau an toàn chủ lực trên quy mô 675 ha. Với một dự án cấp bộ, mục tiêu sản xuất được 7 loại rau trong 3 năm quả thực còn quá khiêm tốn và không biết phải bao lâu nữa mới cung cấp đủ chủng loại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Điều này đòi hỏi một chiến lược phát triển rau an toàn với quy mô rộng và đầu tư nguồn lực lớn, với những bước bài bản, dài hơi hơn để rau an toàn sớm “phủ” kín khắp các tỉnh thành trên cả nước, bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng cao của NTD.

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn