Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, năm 2013 tỉnh ta phấn đấu sẽ có 51 trường đạt chuẩn Quốc gia, TRONG ĐÓ CÓ 6 TRƯỜNG thpt. tuy nhiên, hết 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh mới có thêm 14 trường chuẩn và con số 37 trường đạt chuẩn trở thành một áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục trong những tháng còn lại của năm. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, bước vào năm học mới các địa phương, các trường đã gấp rút lên kế hoạch chuẩn bị cho việc thực hiện hành trình "lên" chuẩn.


Trường Tiểu học Tân Đức (TP. Việt Trì) tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, đạt chuẩn Quốc gia tháng 11 năm 2012

Trước khi được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào tháng 3-2011, cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Mỹ Thuận 2, huyện Tân Sơn thiếu thốn và sơ sài. Các dãy nhà lớp học chưa được xây dựng kiên cố, công trình phụ trợ thiếu đồng bộ, thiếu phòng học bộ môn… ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh trong trường. Lý do là bởi trước năm 2008, khi chưa tách ra từ Trường Tiểu học Mỹ Thuận, đây chỉ là một điểm trường lẻ, không thu hút nhiều học sinh đến học. Nhờ nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp mà đến nay cơ ngơi của trường, kể cả khu trung tâm và khu lẻ (khu Mịn) cũng được đầu tư đạt chuẩn. Để phấn đấu là một trong hai trường đầu tiên của huyện đạt chuẩn mức độ 2 vào cuối năm 2014, khó khăn nhất ở đây vẫn là cơ sở vật chất. Cô Phan Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để đạt chuẩn mức độ 2, trường phải xây mới nhà điều hành 8 phòng, đầu tư vào khuôn viên, hệ thống điện và riêng khu lẻ thì hoàn thiện một số công trình phụ trợ như vệ sinh, nước sạch. Tổng kinh phí đầu tư ước khoảng hơn 2 tỷ đồng. Nhà trường chỉ có khả năng huy động tối đa được 1/3 nguồn kinh phí, số còn lại phụ thuộc vào huyện và địa phương cân đối”.

Tính đến tháng 5-2013, huyện Tân Sơn có 20/53 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 (MN 6 trường, TH 12 trường và THCS 2 trường). Số còn lại chưa đạt chuẩn hầu như đều có chung “rào cản” là điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn. Hiện tại, các điểm trường lẻ thuộc cấp học mầm non, tiểu học vẫn còn 76 phòng học tạm, học nhờ. So với các huyện, thành, thị khác trong tỉnh thì Tân Sơn khó khăn hơn về nhiều mặt, nhưng không vì vậy mà lại thua kém hơn các địa phương khác về công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Từ 2 trường đạt chuẩn Quốc gia khi mới thành lập huyện năm 2007, thì nay con số này tăng đều theo từng năm. Bà Hà Thị Hương - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tân Sơn khẳng định: “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2015 sẽ có khoảng 50% các trường đạt chuẩn Quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, Phòng Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp cùng các trường chủ động tham mưu với chính quyền các cấp, quan tâm hơn đến công tác xã hội hóa, tranh thủ mọi nguồn lực, nhất là vốn kiên cố hóa trường lớp học, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Song, các địa phương và nhà trường cần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, chú trọng tới việc đầu tư xây mới kết hợp với củng cố các tiêu chí đối với các trường học đã đạt chuẩn”, năm học mới 2013-2014, huyện dự kiến sẽ xây dựng thêm 6 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. Ngoài kinh phí dự trù do UBND huyện cấp ước khoảng 3,8 tỷ đồng số còn lại sẽ phải tìm sự trợ giúp từ những nguồn khác. Bằng cách tận dụng mọi nguồn lực ưu tiên cho giáo dục sẽ không chỉ giúp cho Tân Sơn mà sẽ là cách làm để những địa phương khác trong tỉnh cũng có thêm ngày càng nhiều trường chuẩn Quốc gia.

Mặc dù là huyện miền núi, nhưng Thanh Sơn lại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về vị trí địa lý so với các huyện miền núi khác như: Hạ Hòa, Đoan Hùng hay Yên Lập. Đến nay, huyện đã có 33/75 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn Quốc gia. Đối với những trường chưa đạt chuẩn, bên cạnh khó khăn về tiêu chí xây dựng cơ bản, trở ngại không nhỏ khiến cho chặng đường tiến đến đích chuẩn trở nên gập ghềnh hơn đó là thiếu về nguồn lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Qua khảo sát, hiện mới chỉ có 8/24 trường mầm non đạt tiêu chuẩn 2 về đội ngũ giáo viên và nhân viên. Tuy các trường đã thành lập tổ văn phòng hoạt động đảm bảo theo quy định, song 16 trường còn lại hiện thiếu nhân viên, thành viên tổ văn phòng chủ yếu do giáo viên làm công tác kiêm nhiệm. Có 4 trường mầm non gồm: Thượng Cửu, Khả Cửu, Văn Miếu, Tinh Nhuệ chưa đủ cán bộ quản lý (thiếu Phó hiệu trưởng). Một số trường tiểu học còn thiếu nhân viên y tế; 8 trường THCS chưa đảm bảo số lượng giáo viên theo cơ cấu bộ môn. Chưa nói đến chất lượng cán bộ, giáo viên mà ngay từ sự thiếu hụt về số lượng đã khiến cho công tác dạy và học ở các nhà trường không ổn định, những vị trí làm kiêm nhiệm hiệu quả công việc không như mong đợi. Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Trần Văn Trà nêu giải pháp: “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát về đội ngũ, có kế hoạch đào tạo, điều chỉnh, bổ sung giáo viên đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn, đảm bảo chất lượng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán; phấn đấu các trường xây dựng đạt chuẩn phải có ít nhất 20% giáo viên giỏi cấp huyện trở lên. Bổ sung đủ nhân viên phụ trách thư viện, thí nghiệm, cán bộ y tế trường học cho các trường tiểu học và THCS còn thiếu”.

Trường học đạt chuẩn Quốc gia không chỉ đòi hỏi cơ sở vật chất khang trang sạch, đẹp, có đủ điều kiện phục vụ cho giảng dạy và học tập, đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu bộ môn, chuẩn về trình độ đào tạo, mà còn phải đáp ứng yêu cầu chuẩn về chất lượng. Khi các trường đã đạt được mục tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, vấn đề nâng cao chất lượng đạt chuẩn tương ứng cũng là một đòi hỏi tất yếu. Đứng đầu toàn tỉnh về số lượng trường học đạt chuẩn, đến nay TP.Việt Trì đã có 65/89 trường học đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 84,4%, trong đó có 7 trường đạt chuẩn mức độ 2. Công tác xã hội hóa giáo dục dễ dàng hơn khi nơi đây là trung tâm kinh tế của cả tỉnh. Do đó, những trường thuộc các xã vùng ven cũng được đầu tư về cơ sở vật chất không thua kém gì so với trường ở trung tâm thành phố. Mục đích chính là để nâng chất lượng giáo dục đồng đều trên địa bàn.

Xã Tân Đức sáp nhập về Việt Trì từ năm 2008 trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Khi ấy, cơ ngơi của Trường tiểu học Tân Đức nghèo nàn, dãy nhà học cấp 4 xuống cấp, khuôn viên sân trường chưa được quy hoạch, các công trình phụ trợ thiếu, phòng học bộ môn không đầy đủ. Nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, địa phương và phụ huynh học sinh mà cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư nâng cấp là tiền đề thúc đẩy chất lượng giáo dục của nhà trường đi lên. Cô Hoàng Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Kể từ khi trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm 2012, chất lượng giáo dục của trường có sự tiến bộ vượt bậc. Học sinh được tham gia học tập trong điều kiện trường lớp đầy đủ phòng học bộ môn, giáo viên yên tâm giảng dạy với tâm lý thoải mái giúp nâng cao kết quả đào tạo mà trước kia khi trường chưa đạt chuẩn thầy và trò nhà trường chưa từng mơ ước tới. Từ đó, công tác xã hội hóa giáo dục cũng thuận lợi hơn trước”. Năm học 2012-2013 là năm đầu tiên trường có học sinh đạt giải Quốc gia và cũng là năm đầu tiên tập thể cán bộ giáo viên được thành phố công nhận là tập thể lao động xuất sắc. Số học sinh khá, giỏi tăng hơn 5% so với năm học 2011-2012. Kết quả này hầu như không có trường vùng ven nào có được khi chưa đạt chuẩn Quốc gia.

Một số trường như: Tiểu học Tân Dân, tiểu học Thọ Sơn, mầm non Nông Trang… cũng là những đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục của thành phố. Với hơn 80% cán bộ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, số lượng giáo viên giỏi ở Việt Trì không ngừng tăng lên hàng năm. Mỗi khóa học có xấp xỉ 48% tổng số học sinh trên địa bàn thành phố thi đỗ vào Trường chuyên Hùng Vương. Phấn đấu từ nay đến 2015, hầu hết các trường mầm non, tiểu học và THCS của thành phố đạt chuẩn Quốc gia.

Qua thực tế ở một số địa phương đã chỉ ra những khó khăn, thách thức và hướng tháo gỡ từng “nút thắt”, là kinh nghiệm cho các trường đang đặt ra mục tiêu “chạm đích” chuẩn trong thời gian tới.

Nguồn: baophutho.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn