- Rau em vừa lấy ở Tân Đức ra, còn tươi lắm, các bác mua đi!
Cả xóm tập thể này quá quen với chị Thảo - một người chuyên bán hàng rau xanh nên cùng xúm lại, chả mấy chốc gánh rau đã vợi đi một nửa, chị bảo: Hôm nay là ngày nghỉ, nhiều người ở nhà nên bán nhanh, ngày thường có khi phải mất quá nửa ngày mới hết gánh rau. Nói về chuyện lời lãi, chị chép miệng, thở dài vẻ ngán ngẩm: Chẳng qua không có nghề nghiệp gì phải chọn việc đi bán hàng rong, chứ bác bảo lời lãi được bao nhiêu, hôm nào được cũng chỉ dăm chục ngàn, phải ngày hàng ế, nhai nhẳng cả ngày chưa kiếm nổi vài chục. Đây là một thực trạng với người bán hàng rong mà lâu nay đã hiện hữu thường nhật trong xã hội đô thị.
Khó ai có thể thống kê hết mỗi ngày có bao nhiêu người đi bán hàng rong, chỉ biết hầu như phố phường nào của TP cũng thấy có người bán hàng rong với đủ loại từ rau, quả, cá, thịt tươi sống đến các đồ tiêu dùng thủ công lặt vặt, nhiều nhất là mặt hàng tươi sống rau, củ, quả. Đối tượng bán hàng rong đủ loại, nhiều hơn cả là các chị trung niên. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết đây là những chị em nông dân, tranh thủ nông nhàn đi bán hàng kiếm thêm, song cũng không ít người là dân nghèo thành thị, vùng ven đô chọn nghề bán hàng rong. Họ đến từ muôn nẻo đường, trong thành phố Việt Trì cũng nhiều, huyện lân cận như Lâm Thao, Phù Ninh cũng lắm, đặc biệt rất nhiều người đến từ vùng Ba Vì (Hà Nội), Sông Lô, Vĩnh Tường của Vĩnh Phúc… Phương tiện để đi bán hàng rong chủ yếu là gồng gánh, xe đạp, xe đẩy, số ít dùng xe máy. Bất kỳ trời nắng hay mưa gần như quanh năm lúc nào cũng thấy hàng rong xuất hiện. Một nét chung của hầu hết hàng rong là bán mặt hàng tươi sống, tiêu dùng rẻ tiền. Dù vậy tính thiết thực và hiệu quả của nghề hàng rong khá cao. Thử nhẩm tính một gánh rau xanh mua tại gốc trên dưới vài trăm ngàn tùy loại, nhưng ít nhất người bán cũng thu về 5-6 chục ngàn đồng thậm chí cao hơn, tính ra lợi nhuận đến vài ba chục phần trăm. Còn bán mặt hàng hoa quả, các hàng hóa khác dù kém hơn nhưng cũng đảm bảo cho người bán kiếm được 15-20% lợi nhuận, đó là chưa kể gặp những khách không nắm vững thị trường, nam thanh, nữ tú sĩ diện, ngoài giá cao còn cân thiếu, đếm hụt… lợi nhuận khó có loại hình dịch vụ nào bì kịp. Đó là do hầu hết người bán hàng rong mua tận gốc, bán tận ngọn. Đặc biệt việc tiếp thị của những người bán hàng rong là cực giỏi. Ngoài việc lựa chọn khu vực thị trường, khách hàng, thậm chí là khách hàng “ruột” để bán hàng, những người bán hàng rong đều biết chào mời, giới thiệu, quảng cáo về hàng hóa khá dẻo. Có người chỉ chuyên cất lại rau của người bán buôn để đi bán rong dù không biết cây rau đã qua bao nhiêu tay, xuất xứ ra sao nhưng họ vẫn chào mời, quảng cáo đây là rau trồng ở những vùng rau sạch, thậm chí nhà trồng. Một ưu điểm nổi trội hơn hẳn các loại hình dịch vụ khác là tính tiện lợi. Người ta có thể ngồi nhà vẫn mua được hàng, có tiền thanh toán ngay, thiếu tiền cần khất lại ít ngày cũng không sao. Trong bối cảnh đô thị chợ búa xa, xe cộ đông đúc… nhiều người coi hàng rong là phương thức hữu hiệu để giao tiếp với thị trường. Xét trên bình diện hiệu quả, tiện, quảng bá, tiếp thị hàng rong tỏ ra hơn nhiều loại dịch vụ khác, nên có sức sống bền bỉ, dẻo dai dù các trung tâm thương mại, chợ cố định đã mọc lên khá nhiều. Tuy vậy đây chỉ là loại hình dịch vụ dành cho số ít người thiếu việc, thu nhập trợ thời song xung quanh lĩnh vực này cũng có nhiều điều đáng suy nghĩ.
Trước hết là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm dù là mua tận gốc, bán tận ngọn lấy người tiêu dùng làm cơ sở để thẩm định, đánh giá chất lượng song không vì thế mà mọi loại hàng hóa do người bán rong thực hiện đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt trong bối cảnh lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, không ít người bán hàng rong sẵn sàng tráo, lộn các hàng hóa kém chất lượng, cân đong, đo thiếu để lừa người tiêu dùng. Không ít người bán hàng vô tình tiếp tay để hàng giả, hàng nhái, hàng kém lưu hành. Thứ hai là văn minh thương mại, hàng rong là sản phẩm của thời kỳ quá độ, sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đối với văn minh đô thị, xã hội hiện đại đây là điều cần suy nghĩ. Trong tương lai gần chưa thể xóa bỏ hàng rong, song không vì thế mà coi đây là đối tượng thả nổi, tự do phát triển. Để loại dần hàng rong ra khỏi đời sống trước hết mỗi người bán hàng cần có định hướng lựa chọn, tìm kiếm nghề nghiệp để chuyển nghề ổn định, sau nữa là người tiêu dùng cần có thái độ, thay đổi nếp sống, suy nghĩ trong sử dụng dịch vụ. Có vậy nghề bán hàng rong mới dần loại bỏ ra khỏi đời sống.
Nguồn: www.baophutho.vn
Đăng nhận xét