Trong không khí của đất trời vào Xuân, chúng tôi lại có dịp trở về xã Tân Đức sau 5 năm kể từ khi Tân Đức được sát nhập về thành phố Việt Trì (tháng 7/2008), để tìm hiểu về sự đổi thay của vùng đất và con người nơi đây. Với những nhà tầng san sát, đường liên thôn được cứng hóa và hình ảnh các mẹ, các chị bên những luống rau xanh ngắt, nở nụ cười rạng rỡ. Tân Đức ngày nay được biết đến là một đơn vị hành chính, người dân thành phố Việt Trì cũng đã quên dần cái tên gọi mộc mạc trước đây là… “Bãi nổi ven sông”.
5 năm trở về trước, Tân Đức thuộc huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây, nay thuộc xã vùng ven của thành phố Việt Trì, với diện tích tự nhiên 454,8 ha, dân số là 2927 khẩu và chia làm 4 khu hành chính; đặc điểm riêng của Tân Đức là không có đê bao mà được bao bọc bởi 1,1km kè ven sông, còn người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, kinh doanh dịch vụ nhỏ chiếm 76%, còn lại là sản xuất nông nghiệp. Có thể nói, đây là đặc điểm thuận lợi để một xã còn non trẻ như Tân Đức từng bước bắt nhịp cùng với các xã, phường khác trong thành phố. Nếu như năm 2008 tổng thu nhập kinh tế toàn dân của xã chỉ đạt 10,8 tỉ đồng thì đến năm 2013 ước đạt 39 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 4,3 triệu đồng thì đến năm 2013 đạt 15 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo từ 75 hộ năm 2008 đến cuối năm 2013 toàn xã chỉ còn 19 hộ.
Đổi thay ở Tân Đức không chỉ ở phát triển kinh tế, công tác văn hóa xã hội cũng được đẩy mạnh, tỉ lệ học sinh giỏi và thi đỗ vào các trường đại học cao đẳng năm sau cao hơn năm trước, công tác y tế được duy trì chuẩn Quốc gia giai đoạn I và tiếp tục đạt chuẩn giai đoạn II, công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện có hiệu quả, phong trào văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao luôn được duy trì tích cực, công tác an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội thường xuyên giữ vững ổn định. Cùng với đó, Tân Đức còn thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đặc biệt là đối với các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng cô đơn tàn tật. Đặc biệt là thực hiện tốt chế độ một của tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm lao động sản xuất. Chị Lưu Thị Kim Liên người dân xã Tân Đức phấn khởi nói: “sau khi Tân Đức được sát nhập về với Việt Trì, đời sống nhân dân trong xã chúng tôi được nâng lên rõ rệt, đi lại cũng có nhiều thuận lợi, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn vì vậy chúng tôi rất phấn khởi…”
Cũng phải khẳng định rằng, diệm mạo mới của Tân Đức hôm nay đã có sự thay da đổi thịt, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc. Đây là kết quả của chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới, người dân Tân Đức đã biết phát huy nội lực, đoàn kết, mọi công việc đều có sự bàn bạc thống nhất và cùng vào cuộc của nhân dân. Sau 3 năm thực hiện chương trình này, toàn xã đã đạt được 17/19 tiêu chí. Nói về sự đổi thay của Tân Đức hôm nay, Ông Trần Quang Sang – Trưởng khu 2 xã Tân Đức cho biết: “Tôi rất phấn khỏi vì bộ mặt nông thôn Tân Đức được thay đổi rất nhiều, đường liên thôn sạch đẹp, trường học và trạm y tế đều gần rất thuận lợi cho chúng tôi không còn phải qua sông qua đò như trước kia nữa. Không chỉ chúng tôi mà các em học sinh cũng thuận lợi hơn trong việc đi lại. Các em không phải ở trọ hay đi qua đò nữa mà đi về trong ngày luôn…”
Có thể nói sau 5 năm sát nhập về thành phố, Tân Đức đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng , tranh thủ các nguồn lực để sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới… Để Tân Đức tiến nhanh, tiến kịp cùng với các xã phường khác trong thành phố, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Chủ tịch UBND xã Tân Đức cũng đã đưa ra những định hướng:“chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại, đồng thời duy trì và giữ vững làng nghề rau an toàn; phát triển các mô hình chăn nuôi, các dịch vụ khác; đảm bảo an ninh quốc phòng được duy trì và giữ vững ổn định”.
Tin rằng những định hướng nói trên sẽ là những tiền đề, là điều kiện thuận lợi để Tân Đức hứa hẹn vào một ngày mới với nhiều thắng lợi mới và rồi… thêm một mùa xuân mới đang bắt đầu.
Đăng nhận xét