Ngày mùng 1 tháng 8 năm 2008, khi cả tỉnh Hà Tây và 4 xã của tỉnh Hòa Bình náo nức nhập về Hà Nội thành người thủ đô thì gần 700 hộ với hơn hai ngàn rưởi khẩu của xã Tân Đức (huyện Ba Vì – Hà Tây) cũng chuyển về tỉnh Phú Thọ trở thành người đất Tổ. Một cuộc chia tay đầy lưu luyến với quê cũ để về với quê mới của người dân Tân Đức. Cảm xúc trào dâng khó tả ở cả người già và lớp trẻ. Bảo sao mà không lưu luyến được cơ chứ? Từ một bãi nổi giữa sông Hồng, người dân xã Cổ Đô (Ba Vì – Hà Tây) đã khai phá, trồng trọt, dựng nhà, lập xóm thành làng rồi thành xã. Mấy chục năm thăng trầm, biến đổi, trải bao thiên tai lũ lụt, người dân nơi đây vẫn sớm tối đi về quê cha, đất mẹ theo cảnh “ăn nơi, ấp nơi”. Bờ bên quê cũ ngày càng lở. Chính vì thế mà lòng sông phía Hà Tây ngày càng rộng ra. Sinh tử, đi lại, học hành, ốm đau, bệnh tật ngày càng cách rách. Ngược lại, bờ bên Phú Thọ càng ngày càng được bồi đắp, dòng chảy càng hẹp lại. Từ chỗ rộng hàng trăm mét cuối cùng nó chỉ còn rộng 6 mét như một con ngòi nhỏ. Thế là bãi đất đó tự nhiên dịch chuyển về Phú Thọ. Vì vậy, mọi sinh hoạt xã hội, kinh tế, văn hóa, giao lưu của người dân Tân Đức là ở Phú Thọ, phía Hà Tây chỉ còn quản lý về mặt hành chính.

Thấm thoắt mới đó thế mà đã bốn năm. Bốn năm, Tân Đức hòa nhập với thành phố Việt Trì, xây dựng và trưởng thành cùng Phú Thọ. Người dân nơi đây ai ai cũng phấn khởi trước sự đổi thay của làng xã. Không được làm công dân thủ đô thì lại được làm người dân Đất Tổ, trở thành người thành phố chính hiệu, hẳn hoi. Thì từ một huyện thuần nông là Ba Vì, bỗng chốc trở thành công dân thành phố đô thị loại II là Việt Trì bảo sao mà không vui, không phấn khởi? Nếu về Hà Nội thì Tân Đức vẫn chỉ là xã vùng sâu, vùng xa và mọi sinh hoạt vẫn chủ yếu là Phú Thọ và cảm giác “bị bỏ rơi” (với Hà Nội) và “ở nhờ” (với Phú Thọ) làm sao mà tránh khỏi. Đảng bộ và nhân dân thành phố Việt Trì nói riêng và Phú Thọ nói chung đã dang rộng vòng tay đón nhân dân Tân Đức, tạo mọi điều kiện để Tân Đức hòa nhập và phát triển. Đến nay, sau bốn năm, Tân Đức đã đi lên cùng thành phố Việt Trì, tạo thêm sức mạnh cho Việt Trì và ngược lại, Việt Trì đã chắp cánh cho Tân Đức bay lên.

Cái được đầu tiên là thuận lợi về vị trí địa lý. Liền đất liền bờ nên giao thông đi lại thật thuận tiện. Từ đó, vị thế của người dân Tân Đức được nâng lên rõ rệt. Trước kia, muốn sang Việt Trì phải qua cái cầu dài 6 mét (phải làm tới 6 năm vẫn chưa xong) thì nay cầu đã xong, đường mới đã được mở, thông thoáng, rộng đến 8 mét, rải bê tông như một đại lộ chạy giữa xã. Từ trụ sở xã đến trung tâm thành phố chỉ có 4 cây số, trong khi đó nếu ở Hà Tây, để đến được huyện Ba Vì phải hơn hai chục cây số và phải qua sông đò giang cách trở. Bây giờ, xe máy, ô tô thoải mái phóng, vù một tí là đến trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa tỉnh Phú Thọ chứ không phải thị trấn huyện như bên Hà Tây. Ngày trước, do cách rách về địa lý, về thủ tục hành chính mà nhiều người có bảo hiểm y tế đã bỏ khi đi viện. Cái cảnh học nhờ, sử dụng điện nhờ, đi nhờ, ăn nước sạch nhờ bây giờ không còn nữa. Thành người Phú Thọ rồi thì trường, nước, điện, đường là của mình, tha hồ tự do làm chủ. Vào năm học mới không còn phải lo xin học cho con em bên Phú Thọ nữa. Chết bây giờ cũng có đất để chôn (nghĩa trang thành phố), không phải đưa ma trên thuyền, qua sông, qua bãi, vượt đê, vào đồng thêm hơn 2 cây số, mất cả ngày trời để về quê cũ mới được mồ yên mả đẹp.

Cái được thứ hai đó là sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt của thành phố Việt Trì và của tỉnh Phú Thọ. Chỉ một năm sau khi về với Phú Thọ, trạm y tế đã được xây dựng 2 tầng khang trang, nội thất đầy đủ và được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường học đủ 3 cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) với phòng học, nhà điều hành, sân bãi đầy đủ. Đặc biệt hệ thống máy vi tính đã được trang bị đồng bộ, nối mạng internet, mở trang web riêng. Số học sinh đỗ đại học ngày càng cao, có năm tới 12 em. Một xã nhỏ, dân số ít thì con số đó cũng đáng phấn khởi lắm. Trụ sở ủy ban cũng được cải tạo nâng cấp. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. 100% hộ dùng nước sạch và điện lưới quốc gia – điều mơ ước bao đời của người dân Tân Đức. Trước kia ăn uống, tắm giặt đều dùng nước sông, bây giờ thay vào đó là nước máy.

Cái được thứ ba đó là cùng với các dự án khác, dự án sản xuất rau sạch đã tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người, nhiều gia đình. Thu nhập từ vườn, rau năm 2011 toàn xã đã đạt 4 tỷ 860 triệu đồng. Có sào rau thu tới 12-15 triệu đồng, tính ra héc-ta đạt tới tận 336-420 triệu đồng. Cuối năm 2010, nhờ có dự án này mà Tân Đức được tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề sản xuất rau an toàn. Một xã thuần nông, đất lúa rất ít (chỉ có 25 ha xâm canh), đất bãi ngày càng cát hóa thì thương hiệu làng nghề thật sự là cứu cánh cho cả xã. Nếu không có sự quan tâm của thành phố, của tỉnh thì bao giờ dân Tân Đức mới có được nghề này? Chính vì vậy mà thu nhập bình quân của Tân Đức đã đạt 10,6 triệu đồng/người/năm, xấp xỉ với mức bình quân chung của thành phố (11 triệu đồng); số hộ nghèo giảm từ 20% năm 2008 xuống còn 4,6% năm 2011 (tiêu chí mới).

Cái được thứ tư là lòng dân, ý đảng, là tình hình trật tự trị an. Tất cả đồng thuận, trên dưới đồng lòng, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đảng bộ 5 năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh, các đoàn thể chính trị xã hội đều tiêu biểu, vững mạnh. Người dân ai cũng phấn khởi, tự tin trên con đường đổi mới. Không còn mặc cảm tự ti, tất cả hăng hái thi đua sản xuất làm giàu xây dựng quê hương.

Bốn năm nhập về Phú Thọ, trở thành người dân đất Tổ đã làm cho vị thế của người dân Tân Đức được nâng lên rõ rệt. Gia đình no ấm. Làng xã đổi thay. Quê hương giàu đẹp. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được đảng bộ và nhân dân xã tích cực triển khai. Đến nay, 13/19 tiêu chí đã đạt, Tân Đức phấn đấu tới năm 2015 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đi trên con đường bê tông rộng 8 mét, chạy dọc giữa xã, ngắm quang cảnh đổi thay hai bên đường và cánh đồng rau an toàn xanh mơn mởn ngoài bãi cùng những gương mặt rạng ngời của người dân nơi đây lòng ta rộn ràng phơi phới niềm vui. Mới có bốn năm về với Phú Thọ mà Tân Đức đổi thay đến diệu kỳ, đang cùng thành phố Việt Trì thênh thang bước đi trên chặng đường mới đã mở ra trước mặt.

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn