![]() |
Nhờ sự hỗ trợ từ hoạt động khuyến công, sản phẩm rau an toàn Tân Đức đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. |
Đồng chí Phan Thanh Dương - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: “Để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đã đề ra đến năm 2015 giữ mức tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 15,5%/năm; mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất ra sản phẩm mới; đổi mới công nghệ sản xuất… thì không thể thiếu vắng vai trò của hoạt động khuyến công, trong đó có đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công”. Căn cứ tình hình thực tế hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn cũng như khả năng hỗ trợ từ ngân sách của thành phố cho hoạt động khuyến công, trong giai đoạn 2013-2015 hoạt động này tập trung vào 4 nội dung cụ thể: Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ KHKT; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cơ quan thực hiện hoạt động khuyến công. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 10,5 tỷ đồng.
Trong 5 năm (2008-2013), thông qua hoạt động khuyến công, thành phố đã phối hợp với Trung tâm khuyến công, tư vấn và tiết kiệm năng lượng tỉnh tổ chức đào tạo, truyền nghề cho 1.250 lao động với một số nghề như: Dệt thổ cẩm, mành tre trúc xuất khẩu, sơn mài trên vóc gỗ, sản xuất đũa xuất khẩu… Công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề dự kiến từ nay đến 2015 sẽ đào tạo nghề mới cho 1.000 lao động, đào tạo nâng cao tay nghề và thợ giỏi trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cho 300 người. Trong đó, các ngành nghề ưu tiên đào tạo như: Tiểu thủ công nghiệp (mây tre đan, gốm sứ, thêu ren), chế biến nông – lâm sản, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng không nung… Thời gian tới, UBND thành phố sẽ phối hợp với Trung tâm khuyến công, tư vấn và tiết kiệm năng lượng tỉnh tổ chức các khóa đào tạo cho nghệ nhân, thợ giỏi nhằm bồi dưỡng lý thuyết về kỹ năng sư phạm, thẩm mỹ, thiết kế mẫu mã… để hình thành đội ngũ hướng dẫn viên, giảng viên phục vụ quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh kết quả đã đạt được trong hỗ trợ các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư mới, mở rộng và ứng dụng tiến bộ vào sản xuất như: Sản xuất rau an toàn tại xã Tân Đức, dệt thổ cẩm ở Hy Cương, hỗ trợ doanh nghiệp trà xanh Hà Trang… thì hoạt động khuyến công của thành phố sắp tới sẽ dành hơn 7 tỷ đồng xây dựng 12 mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ 24 cơ sở sản xuất chuyển giao công nghệ, tiến bộ KHKT, xử lý ô nhiễm môi trường tiến tới sản xuất sạch hơn. Để khuyến khích các cơ sở CNNT phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, mỗi năm thành phố sẽ tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp xã, thúc đẩy khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để kế hoạch trên được thực hiện đầy đủ, đúng mục đích và phát huy hiệu quả thì năng lực của đội ngũ cán bộ hoạt động khuyến công có vai trò rất quan trọng. Kể từ năm nay, cán bộ quản lý khuyến công cấp thành phố, cấp xã sẽ được tham gia những lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tham quan học tập kinh nghiệm, tham gia hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao năng lực.
Để hoạt động khuyến công trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại kết quả khả quan, thời gian tới UBND thành phố sẽ tiếp tục phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động các doanh nghiệp, các cấp, ngành và nhân dân hiểu và thực hiện tốt chính sách khuyến công. Bên cạnh việc tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, thành phố còn tích cực khai thác, tìm kiếm, phối hợp với các tổ chức, cá nhân nhằm huy động các nguồn lực và nguồn vốn tài trợ hợp pháp để thúc đẩy hoạt động khuyến công; phối hợp với các ngành để bố trí lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có liên quan tham gia vào hoạt động khuyến công để phát huy hiệu quả sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Nguồn: baophutho.vn
Đăng nhận xét