Đã 16 năm qua đi, nhiều người dân xã Tân Đức (thành phố Việt Trì) vẫn không thể quên chuỗi tháng năm cùng cực vì mất nhà cửa, đất đai do sạt lở đất. Câu chuyện đó, tưởng chừng sẽ nguội dần theo năm tháng, song đến nay sự chờ đợi, mong nhận sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn đau đáu trong 85 hộ dân bị mất nhà cửa, đất đai bởi thiên tai.
“Màn trời, chiếu đất”
Cái nắng gắt gần 40 độ C của tháng 7 cũng không ngăn nổi bước chân chúng tôi về Tân Đức - một xã bên tả ngạn sông Hồng, nơi mà cả xã đã sống chung với cái “nóng” quanh năm hết năm này sang năm khác, đó là cái “nóng” trong lòng 85 hộ dân bị thủy thần “nuốt” mất nhà cửa, đất đai từ 16 năm về trước. Từng ngày, từng giờ những người dân nơi đây vẫn đang mong mỏi “tìm lại” được căn nhà, một khoảng đất sản xuất nông nghiệp như khi xưa, cho dù quãng thời gian đợi chờ không còn là ngắn.
Diện tích đất thổ cư của 85 hộ dân xã Tân Đức đã bị thủy thần “nuốt” mất 16 năm nay nhưng hiện tại họ vẫn chưa được hưởng sự hỗ trợ do thiên tai.
Ở thời điểm ấy Tân Đức vẫn là một xã thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Cuộc sống của người dân thuần nông, chủ yếu bám vào ruộng vườn. Là vùng đất bãi màu mỡ, người dân chỉ cần xới đất, gieo hạt là cây đã có thể sinh trưởng tốt, nên kết hợp trồng trọt với chăn nuôi đã mang lại cho người dân Tân Đức cuộc sống tuy chưa giàu nhưng thanh bình và yên ấm. Dù vậy, thiên nhiên không chiều lòng ai, từ năm 1998 hiện tượng sạt lở đất đã xảy ra tại xã ven sông này và chỉ trong 3 năm đã cuốn trôi đất đai, nhà cửa của 435 hộ dân, đẩy nhiều hộ lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”. Trong căn nhà nhỏ chừng 40 m2, ông Nguyễn Đình Thuận, ở khu 4, năm nay đã 84 tuổi vẫn không khỏi ngậm ngùi: “Khi lở đất, 2 vợ chồng tôi và gia đình đứa con trai với 2 đứa cháu nội, đứa lên 6, đứa lên 7 đi chạy loạn. Xin ở nhờ nhà anh em, người quen hết nhà này đến nhà khác rất khó khăn, cuối cùng cũng mượn tạm được mảnh đất trống của đứa cháu rể dựng lán ở tạm qua ngày!”.
Được biết, hoàn cảnh của gia đình ông Thuận khi đó cũng chỉ là một trong hàng trăm hộ gia đình khác bị mất nhà mất đất. Do chưa tìm được nơi lánh nạn nên nhiều hộ đã kéo nhau lên bãi đất trống trước cửa UBND xã lập lán ở la liệt, lúc đỉnh điểm lên tới hàng trăm hộ (với khoảng 600-700 khẩu); một số hộ khác phải ở nhờ Nhà văn hóa xã, số còn lại làm lều lán ven trục đường bờ sông. Xã đã phải đào 4 giếng khoan lấy nước phục vụ các hộ dân nhưng vẫn không đủ, dân phải đi gánh nước ngoài sông để phục vụ sinh hoạt. Người già ốm yếu, trẻ nhỏ nheo nhóc, cuộc sống của người dân khi đó rất khó khăn, lâm vào cảnh cùng cực, tạm bợ trong suốt gần 1 năm trời.
Nét mặt buồn rầu, ông Nguyễn Đình Thuận bộc bạch: “Cảnh ở chung đã thường xuyên dẫn đến mâu thuẫn giữa các con tôi. Mấy ngày nay chỉ vì sự việc tranh giành nhau vài chục cen-ti-mét đất mà con gái, con rể và con trai tôi không nhìn mặt nhau. Trước vì sạt lở đất, sau nhiều năm ở nhờ gia đình tôi đã mua lại được mảnh đất của cháu rể. Vợ chồng tôi ở một góc, chia cho gia đình con gái một góc, gia đình con trai một góc nhưng vẫn đi chung một cổng. Giờ con gái, con rể có điều kiện xây lại nhà, mở cổng mới đi riêng đã “lấn” sang một ít đất của tôi. Con trai tôi không đồng ý vì cho rằng phần nhà tôi còn “để dành” cho một con trai nữa của tôi sau này về ở. Bực tức, con rể tôi đập chiếc cổng đã hoàn thành đi xây lại nhỏ hơn. Từ hôm đó anh chị em, không nhìn mặt nhau”.
Đất chật, người thì cứ “phình” ra, gia đình lớn, gia đình nhỏ, nhiều thế hệ cùng chung sống. Mất đất cũng đồng nghĩa với việc mất cả thu nhập. Ông Vũ Văn Yên ở khu 4 giãi bày: “Trước kia, khi đất thổ cư vẫn còn, bình quân mỗi gia đình chúng tôi cũng có khoảng 4-5 sào đất để trồng trọt, chăn nuôi, nếu diện tích đất đó mà còn để đầu tư trồng rau như hiện nay thì mỗi năm chúng tôi cũng được thu hàng chục triệu đồng/sào. Mất đất nên năm nay tôi đã 65 tuổi rồi nhưng vẫn phải đi xách vữa, phụ hồ nuôi bản thân và lo cho gia đình”.
Các cấp chính quyền vào cuộc ra sao?
Trở lại vấn đề sự cố sạt lở đất từ những năm 1998-2001, khi tình trạng sạt lở đất xảy ra ngày một nghiêm trọng, lãnh đạo xã Tân Đức (ở thời điểm này vẫn thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) đã khẩn trương báo cáo các cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện đã nhanh chóng vào cuộc… Huyện Ba Vì và tỉnh Hà Tây đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình các hộ dân Tân Đức bị thiên tai, thành lập Ban chỉ đạo tổ chức di dân khỏi vùng sạt lở. Với tinh thần ưu tiên những hộ có hoàn cảnh khó khăn và thứ tự các hộ bị sạt lở từ ngoài vào trong đã giải quyết được 350 hộ dân của Tân Đức di dân sang nội huyện và ngoại tỉnh, 85 hộ còn lại chưa được di dân phải tự thu xếp chỗ ở tạm với lý do không còn quỹ đất để giải quyết và các hộ này phải chờ đợi!... Rồi cũng có đợt di dân mới, nhưng không phải trong xã, huyện, tỉnh mà ở các tỉnh xa như Quảng Ninh, Đắc Lắc với tính chất đi… xây dựng vùng kinh tế mới! Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều hộ không muốn “an cư lạc nghiệp” nơi “đất khách quê người” chọn phương án ở lại “nơi chôn rau cắt rốn” để tiếp tục kiên trì chờ đợi.
Khu đất ở tại bãi Hạ Bạn, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị giao đất và đấu giá.
Đến năm 2008, ngay sau khi xã Tân Đức được bàn giao về thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), lãnh đạo thành phố đã làm việc với địa phương và nhận được kiến nghị: “Tạo quỹ đất để giải quyết cho 85 hộ bị sạt lở mất đất thổ cư”. Sau đó, UBND thành phố Việt Trì có văn bản số 83 (ngày 12/9/2008) thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì tại buổi làm việc với UBND xã Tân Đức, trong đó có nội dung yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch sử dụng 28ha đất bãi thuộc xã Minh Nông (thành phố Việt Trì), văn bản nêu rõ: “Giao phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với các phòng TN-MT, UBND xã Minh Nông và Tân Đức lập quy hoạch khoảng 10ha đất bãi thuộc xã Minh Nông (dự kiến quy hoạch từ 200-250 ô, mỗi ô 300m2) để cấp đất tự xây cho các hộ bị lở mất đất thổ cư thuộc xã Tân Đức và một số hộ thuộc xã Minh Nông. Yêu cầu lập và trình duyệt xong trước 30/10/2008 để xét duyệt cấp đất trong tháng 11/2008”.
Có thể nói, Kết luận đó của Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì như một “luồng gió mát” thổi vào lòng người dân Tân Đức, làm hạ bớt sức “nóng” của 85 hộ dân đang “mỏi mắt” đợi chờ nơi ở mới và tưởng rằng chủ trương đó càng được cụ thể hơn khi năm 2009, tại khu vực Bãi Hạ Bạn, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì bắt đầu khởi công khu đất ở mới dành cho dân. Người dân Tân Đức háo hức, phấn khởi! Thế nhưng, niềm mong mỏi, hy vọng đó dường như bị “dập tắt” khi UBND thành phố Việt Trì có văn bản số 1989 ngày 21/10/2013 về việc giao đất và đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực Bãi Hạ Bạn, phường Minh Nông gửi về xã Tân Đức. Theo đó, yêu cầu thành lập Hội đồng xét duyệt giao đất ở theo quy định, với số lượng và vị trí cụ thể, trong đó xã Tân Đức được quyền cấp 85 ô đất, số tiền các hộ được xét giao đất phải nộp là 1,8 triệu đồng/m2 (trong đó gồm tiền đất là 700.000 đồng/m2; tiền GPMB, quy hoạch và xây dựng hạ tầng là 1,1 triệu đồng/m2).
Văn bản này đã “vấp” phải phản ứng của 85 hộ dân trong cuộc họp các hộ dân có gia đình bị sạt lở đất. Họ cho rằng đây không phải là một chương trình di dân vùng sạt lở đất do thiên tai để được cấp đất, giá tiền đưa ra là quá cao so với khả năng của họ. Được biết, mỗi ô đất có diện tích từ 150- gần 200 mét, với mức giá thành phố đưa ra nhân với diện tích đất thì giá trị lên tới từ 300-400 triệu đồng. Anh Cao Văn Hướng (khu 4) giãi bày: “Bao nhiêu năm mất đất, mẹ con tôi phải đi ở nhờ nhà họ hàng, nhà người quen, mãi mới vay mượn để mua được một mảnh đất nhỏ, xây một căn nhà ở tạm. Không có vườn, không phát triển sản xuất được mà phải đi làm thuê. Thu nhập thấp, không đủ trả nợ do vay mượn mua nhà đất ở tạm thì làm sao có tiền “mua” đất ở khu Hạ Bạn?”. Không chỉ riêng anh Hướng, trong số 85 hộ gia đình bị sạt lở đất ở Tân Đức hiện nay, sau nhiều năm tháng chắt chiu, gom góp mua lấy chỗ ở tạm vẫn đang phải “cõng” thêm các khoản vay nợ mà chưa thể trả hết. Vậy thì làm sao họ có được số tiền vài trăm triệu đồng để được ra khu đất ở mới!?
Và dẫu biết rằng, câu chuyện sạt lở đất ở xã Tân Đức đã xảy ra cách đây 16 năm trước, vì cuộc sống mưu sinh 85 hộ dân xã Tân Đức đã tự mình vươn lên, chắt chiu, dành dụm, vay mượn, cậy nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng mua tạm những mảnh đất nhỏ, dựng nhà để ở xen lẫn các khu dân cư trong xã. Giai đoạn bần hàn nhất tuy đã qua đi, nhưng những hệ lụy từ vấn đề sạt lở đất vẫn hiện hữu trong lòng mỗi người dân nơi này. Cứ mỗi khi những mâu thuẫn đó nảy sinh thì lại “thổi bùng” những khát khao về một nơi ở mới trong 85 hộ gia đình mất nhà, mất đất bởi thiên tai. Biết rằng trách nhiệm giải quyết trước hết là huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây, sau đó là thành phố Hà Nội nhưng đã không giải quyết được. Nay Tân Đức đã về với Việt Trì - Phú Thọ, lãnh đạo thành phố Việt?Trì đang hoàn tất các thủ tục để giải bài toán “Người dân Tân Đức mất đất do thiên tai sớm được giải quyết theo quy định hiện hành.
Nguồn: baophutho.vn
Đăng nhận xét