Sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm gần đây đã đạt nhiều thành tựu quan trọng khi áp dụng tiến bộ KHKT vào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị sản xuất. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Phát triển HTX kiểu mới là một giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.


HTX sản xuất rau an toàn Tân Đức đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khá song còn mang tính chất manh mún, dàn trải thiếu sự tập trung thành vùng chuyên canh lớn gắn với thâm canh cao; giá các loại nông sản còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao; sản xuất hàng hóa chưa thực sự gắn liền với công nghệ chế biến và thị trường đầu ra; chất lượng nông sản chưa được coi trọng, tính cạnh tranh chưa cao. Thực tế cho thấy, bưởi Đoan Hùng là cây trồng có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lượng sản phẩm còn ít, chất lượng, mẫu mã còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường do thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn phụ thuộc vào tư thương và người dân vẫn tự lo đầu ra cho sản phẩm. Tỉnh ta là một trong những vùng chè lớn của cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn người dân tự lo đầu ra cho sản phẩm nên giá thành không cao. Diện tích rau an toàn của cả tỉnh khá lớn nhưng vùng tập trung còn hạn chế. Người dân vẫn chủ yếu bán rong hoặc bán tại các chợ chứ chưa vào được các siêu thị với số lượng lớn. Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển mạnh với việc nuôi cá lồng nhưng quy trình sản xuất không thống nhất, không liên kết được với nhau nên chưa thực sự phát triển bền vững. Trong sản xuất lương thực, nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa, tuy nhiên khi tiêu thụ sản phẩm vẫn do người dân tự tìm cách bán cho thương lái thu mua gom nên giá bấp bênh, đầu ra không ổn định sẽ khó khăn nếu mở rộng sản xuất với quy mô lớn.

Từ thực trạng như vậy, HTX kiểu mới sẽ là giải pháp quan trọng để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vì hộ sản xuất đơn lẻ không có nhãn hiệu hàng hóa, không đủ tư cách pháp nhân, khối lượng hàng hóa không đủ lớn để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Có HTX kiểu mới sẽ tổ chức sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, có tư cách pháp nhân để liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giá nông sản được nâng lên, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Việc hỗ trợ về vốn, chuyển giao, ứng dụng TBKT đối với hộ riêng lẻ sẽ khó khăn hơn với HTX. Hơn nữa, sản xuất hàng hóa là làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, xuất phát từ nền kinh tế thị trường, quy luật cạnh tranh thì sản phẩm phải sạch, giá cả hợp lý, chất lượng tốt, quy trình sản xuất phải đảm bảo. HTX kiểu mới sẽ đáp ứng được điều này. Việc củng cố HTX theo Luật 2012 sẽ giải quyết được những vấn đề trên. Hơn nữa tỉnh ta có trên 80% dân số sống nhờ sản xuất nông nghiệp, không vào HTX, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa người nông dân sẽ bị bỏ rơi, không có vị thế, không cạnh tranh được với nền kinh tế thị trường. Như vậy ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận người dân ở nông thôn cả về kinh tế và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. HTX Nông nghiệp và Điện năng Vĩnh Lại huyện Lâm Thao là một điển hình của HTX kiểu mới. Bà Khuất Thị Ánh Tuyết- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: “Thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX đã mạnh dạn đổi mới tổ chức lại sản xuất, thuê đất của các hộ dân không có nhu cầu sản xuất, liên kết với các công ty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất lúa giống nguyên chủng và lúa chất lượng cao với quy mô 60ha, vừa tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho các thành viên nên HTX đã giúp các hộ thành viên có thu nhập tăng 4-6 lần so với trồng cây thương phẩm”.

Trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 HTX đã chuyển đổi, củng cố hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đạt gần 80% tổng số HTX đang hoạt động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy số HTX hoạt động có hiệu quả còn rất ít. Đa số các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ở trên địa bàn tỉnh đều chỉ có quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Điều đó đã hạn chế rất nhiều đến khả năng cung ứng sản phẩm đều đặn cho thị trường. Ông Tạ Kim Thượng, Giám đốc HTX sản xuất rau an toàn Tân Đức, xã Tân Đức thành phố Việt Trì cho biết: “Tân Đức đã tiến hành sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP từ hàng chục năm nay, đã bước đầu xây dựng được thương hiệu và tạo được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất của các hộ quá nhỏ, chủ yếu là trồng trong vườn nhà. Cũng đã có một số doanh nghiệp, siêu thị đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm với điều kiện phải cung ứng hàng đều đặn theo quy định của họ nhưng chúng tôi không thể đáp ứng nổi nên đã hạn chế rất lớn đến việc phát triển của HTX”. Một nguyên nhân khác khiến các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn chưa thể phát triển mạnh là cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất thâm canh, quy mô lớn. Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn ở nhiều nơi đã xuống cấp, diện tích đất sản xuất manh mún khiến khó có thể đưa cơ giới vào sản xuất. Hơn nữa, ở một số địa phương, ngay Ban quản trị HTX cũng còn nhiều lúng túng, thậm chí trình độ đã không còn phù hợp, không có sự năng động, đổi mới theo kịp quy luật vận động của cơ chế kinh tế thị trường hiện nay nên không có khả năng liên kết với doanh nghiệp để có thị trường ổn định. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện nay, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Người sản xuất rất cần được hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn cách sử dụng thuốc BVTV, thuốc chữa bệnh hợp lý bởi đây là vấn đề quyết định đến việc sản phẩm của họ có tồn tại được hay không khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Thế nhưng, hầu như người sản xuất hiện nay đều phải tìm sự tư vấn từ người bán hàng, đọc hướng dẫn sử dụng trên bao bì hoặc điều trị theo kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Giang - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Phát triển HTX kiểu mới là đòn bẩy và sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, vì vậy cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về HTX kiểu mới. Thực hiện tốt các chính sách về nguồn nhân lực: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, thu hút các cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các HTX… Đồng thời, thực hiện tốt chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua HTX nông nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện dồn đổi ruộng đất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập và gắn kết được các thành viên để HTX kiểu mới ngày càng phát triển. Đặc biệt cần huy động tối đa nguồn lực của HTX, chú trọng nội lực của các thành viên, đẩy mạnh ứng dụng TBKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Nguồn: baophutho.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn