Kỳ 1: Loay hoay tìm đầu ra
Những thông tin về “công nghệ” trồng rau mau lớn, năng suất tăng vọt và chu kỳ sinh trưởng được rút ngắn tới mức thấp nhất khiến người tiêu dùng cảm thấy “hoang mang”, khi thấy các sản phẩm rau tươi, mỡ màng được bày bán mỗi ngày. Việc sử dụng không kiểm soát các chất kích thích, phân bón các loại trên cây rau trở thành câu chuyện được người tiêu dùng quan tâm. Nhu cầu tiêu dùng rau an toàn (RAT) ngày một cấp thiết, dù đã triển khai nhiều vùng sản xuất RAT, xây dựng các mô hình sản xuất theo VietGap, nhưng có bao nhiêu phần trăm rau an toàn đến tay người tiêu dùng?Hình thành vùng sản xuất RAT
Xác định tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, những năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển nhiều vùng sản xuất RAT và nâng tổng diện tích sản xuất RAT hiện nay lên là 12,68 nghìn ha, trong đó chia thành 2 loại: Đất chuyên rau và trồng luân canh. Năng suất trung bình đạt 145 tạ/ha, sản lượng đạt 182,6 nghìn tấn. Cơ cấu: Rau ăn lá là 48%, rau ăn quả 20%, rau ăn củ 9%, các loại rau khác chiếm 23%, giá trị sản xuất rau các loại tăng trưởng 3,36%/năm.
Thông qua các dự án, chương trình trọng điểm, ngành nông nghiệp đã hình thành được 17 vùng sản xuất RAT tập trung trên diện tích canh tác 108ha tại các địa phương: Lâm Thao, TP. Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Phù Ninh, Thanh Ba, Tam Nông, Cẩm Khê, trong đó có 34ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau nhiều năm triển khai sản xuất RAT, người sản xuất đã làm quen và thực hiện đúng quy trình sử dụng thuốc BVTV, phân bón. Các khâu chuẩn bị nước tưới, đất đều đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc sản xuất theo quy trình với bộ tiêu chí rất khắt khe, chi phí để sản xuất RAT cao hơn rau đại trà từ 10-20%. Trước đây, người sản xuất không quen với việc ghi nhật ký, và coi là khâu không quan trọng nên thường bỏ qua. Nhưng hiện nay, sổ nhật ký của các hộ trồng RAT đã đảm bảo đúng quy trình, giúp cho việc kiểm tra thuận tiện. Hiện một số vùng RAT bước đầu đã có thương hiệu như: RAT Tân Đức, TP. Việt Trì, Tứ Xã - Lâm Thao, Sai Nga - Cẩm Khê, An Đạo- Phù Ninh...
Nhu cầu sử dụng RAT ngày một phát triển. Toàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới sản xuất RAT ở nhiều địa phương, người nông dân cũng không còn xa lạ với quy trình sản xuất RAT. Đến nay đã hình thành được hai HTX chuyên sản xuất rau là HTX sản xuất, kinh doanh RAT Tân Đức, thành phố Việt Trì và HTX sản xuất sơ chế tiêu thụ sản phẩm RAT Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Thế nhưng thực tế cho thấy các sản phẩm RAT vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến và đang quanh quẩn, loay hoay với đầu ra.
Khó khăn trong khâu tiêu thụ
Theo số liệu của Sở NN&PTNT hiện các vùng sản xuất RAT đang tiêu thụ sản phẩm theo hướng tự mang đi bán (chiếm đến 80%), còn bán trực tiếp tại ruộng chiếm 5%, bán buôn cho người thu gom 10% và chỉ có 5% được tiêu thụ theo các hợp đồng. Về cơ bản, việc sản xuất và tiêu thụ vẫn do các hộ nông dân thực hiện, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau theo chuỗi khép kín còn rất hạn chế, các HTX vẫn chưa đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ được sản phẩm RAT.
Các quầy hàng rau, củ, quả an toàn trong siêu thị Big C, thành phố Việt Trì vắng bóng sản phẩm RAT trên địa bàn tỉnh. |
Là địa phương đi đầu trong việc sản xuất RAT, đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tuy nhiên HTX sản xuất, kinh doanh RAT Tân Đức vẫn đang trăn trở với nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm. Với 272 thành viên, 1 năm HTX sản xuất gần 10.000 tấn rau, chủ yếu là rau ăn lá. Là vùng chuyên canh rau nhưng sản phẩm hiện vẫn chỉ bán lẻ do người sản xuất mang đi bán. Chỉ có một số ít theo đơn đặt hàng thường xuyên của một số trường học, nhà hàng và cửa hàng kinh doanh rau.
Có thể thấy, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm RAT mới chỉ dừng ở việc đảm bảo đúng quy trình, chất lượng. Một số vùng xây dựng được nhãn hiệu nhưng sản phẩm vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường tự do. Vậy là sản phẩm RAT trộn lẫn với các loại rau chưa được kiểm định, không có sự chênh lệch khiến cho sản phẩm RAT dần mất đi chỗ đứng!
Kỳ 2: Cần có giải pháp cụ thể
Nguồn: baophutho.vn
Đăng nhận xét