Kỳ 2: Cần có giải pháp cụ thể

Xem lại Kỳ 1

Nhu cầu về RAT ngoài thị trường là rất lớn, vậy tại sao trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập? Đã có nhiều giải pháp cụ thể của các cơ quan chức năng được đưa ra nhưng người sản xuất RAT vẫn lo lắng và loay hoay với việc tiếp tục duy trì hay chuyển đổi mô hình! Chính vì thê, câu chuyện để mở lối cho sản phẩm RAT ra thị trường lớn và gỡ khó cho người sản xuất đang là vấn đề cấp bách!


Thành viên HTX RAT Tứ Xã (Lâm Thao) sơ chế đóng gói sản phẩm RAT.

Xác định nguyên nhân

Nguyên nhân khiến RAT khó tiêu thụ là do một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, chưa quan tâm đến sản phẩm an toàn. Người tiêu dùng vẫn có thói quen mua rau tại các chợ với những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Với 80% sản phẩm do người dân tự mang đi bán nên RAT bị trộn lẫn với các loại rau đại trà khiến người tiêu dùng nghi hoặc. Mặt khác, những căn cứ xác định sản phẩm rau là an toàn chưa đủ mạnh để thuyết phục người tiêu dùng. Ví dụ: Rau an toàn của HTX khi đưa ra thị trường có bao bì ghi tên sản phẩm của đơn vị nhưng người mua chưa thật sự tin tưởng, một số khác lại có ý nghĩ bao bì rau rất dễ bị làm giả nên không mặn mà. Bên cạnh đó là việc sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không có cách nào phân biệt với sản phẩm thông thường bởi không có bao bì đóng gói riêng.

Chị Bùi Thu Hà, phường Tiên Cát, TP Việt Trì cho biết: “Nhiều câu chuyện về RAT khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, khi sản phẩm RAT trên địa bàn vẫn chưa khẳng định được thương hiệu. Lo lắng vì thực phẩm không an toàn, nhiều gia đình tận dụng đất ven đường để trồng rau. Tự tay làm mới yên tâm được”. Đây là suy nghĩ của khá nhiều người trong “cơn bão” thực phẩm bẩn hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng việc trồng rau ven đường, nơi phương tiện giao thông qua lại đông đúc khiến cho rau vẫn có nguy cơ nhiễm khói bụi, chì và đất có thể nhiễm kim loại nặng.

Ông Hoàng Thạch Vinh - Giám đốc HTX sản xuất sơ chế tiêu thụ sản phẩm RAT Tứ Xã cho biết: “Hiện nay HTX chưa xây dựng được hình ảnh RAT Tứ Xã, chưa quảng bá được sản phẩm đến người dân. Chúng tôi đã thử nghiệm giới thiệu sản phẩm tại một số cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả nhưng hiệu quả không cao. Người dân chưa biết đến sản phẩm, do đó việc tiêu thụ rất chậm”. Đã từng xuất hiện cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Chợ trung tâm TP Việt Trì, nhưng do quy hoạch nay không còn. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ nhiệm HTX sản xuất, kinh doanh RAT Tân Đức cũng chung niềm băn khoăn khi không có nơi quảng bá sản phẩm dẫn tới người dân không biết và nếu có biết cũng chưa có cách tiếp cận với sản phẩm RAT.

Về đầu ra cho sản phẩm RAT, ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Chúng ta đã xây dựng được những vùng sản xuất RAT, vì thế sở rất quan tâm, tạo điều kiện để các HTX, và người sản xuất RAT được đi tiếp xúc, ký kết các hợp đồng để có đầu ra ổn định với giá thành cao, qua khảo sát nhiều chuỗi siêu thị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn có nhu cầu về RAT lớn. Tuy nhiên, hiện nay các vùng trồng RAT đều có quy mô nhỏ (2ha-3ha/vùng), chưa sản xuất tập trung, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Ruộng đất manh mún không áp dụng được tiến bộ KHKT, chủng loại rau chưa phong phú nên với những hợp đồng cần cung cấp số lượng lớn vẫn chưa đáp ứng được. Vì vậy, việc ký kết hợp đồng là chưa khả thi”.

Đã từng tham gia nhiều cuộc tiếp xúc với các đối tác, trước những đơn đặt hàng vài tấn rau một ngày, nhưng với yêu cầu phải đa dạng về chủng loại khiến cho các HTX không thể đáp ứng được. Điều này là do tâm lý người sản xuất bấp bênh. Khi thời điểm đó giá thành cao họ bán cho chủ buôn, đến khi giá thành thấp giao về cho HTX khiến cho sản lượng không đảm bảo. Một “rào cản” nữa đối với RAT là những yêu cầu phải tuân thủ trong khâu sản xuất nên chi phí thường cao hơn rau truyền thống, nhưng ngược lại đối với những đơn hàng lớn, các doanh nghiệp đưa ra giá thấp, chưa sát với thực tế nên không phù hợp.

Mặt khác, do mức hỗ trợ còn hạn chế nên chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp tham gia phát triển RAT theo VietGAP, chưa tạo được chuỗi liên kết giữa người sản xuất và kênh tiêu thụ uy tín để được người tiêu dùng tin tưởng. Chưa khẳng định được thương hiệu, chủng loại chưa phong phú, không đáp ứng được số lượng lớn thường xuyên, chính là những rào cản khiến RAT vẫn đang... gặp khó đầu ra.

Giải pháp cho chuỗi sản xuất - tiêu thụ RAT

Quy hoạch nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch vùng sản xuất RAT tập trung tỉnh Phú Thọ đến 2020; kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020” đã xác định mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh hình thành 13 nghìn ha RAT, năng suất đạt 170tạ/ha, sản lượng trên 221 ngàn tấn. Trong đó, vùng chuyên canh RAT tập trung có diện tích 890ha; 100% diện tích còn lại sản xuất theo hướng an toàn; tiến hành thử nghiệm các mô hình sản xuất rau hữu cơ, rau công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màn. Đối với một số diện tích trồng lúa sẽ rà soát chuyển đổi sang trồng rau chuyên canh, đặc biệt là ở những vùng ven đô thị, có thuận lợi về giao thông, thổ nhưỡng tại các huyện Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông... Các vùng còn lại sản xuất theo hình thức luân canh, hình thành vùng nguyên liệu cho một số nhà máy chế biến rau, củ, quả. Đến năm 2020, các loại rau có nguồn gốc ôn đới chiếm khoảng 48% sản lượng rau, cùng với một số loại rau cao cấp sẽ khuyến khích phát triển những loại rau bản địa, đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Rau sắng, măng các loại, trám đen, trám trắng, nấm các loại, khoai tầng vàng...

Là địa phương đi đầu trong việc sản xuất RAT, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ nhiệm HTX kinh doanh RAT Tân Đức nêu mong muốn thành phố tạo điều kiện để HTX mở một số điểm giới thiệu sản phẩm. Hình thành các điểm bán RAT không chỉ là nơi quảng bá mà còn là kênh thông tin để chúng tôi tiếp nhận phản hồi của khách hàng về các vấn đề liên quan đến VSATTP.

Sản phẩm RAT Tứ Xã, dù ra đời sau, nhưng cũng đã bước đầu được một số khách hàng biết đến, tuy nhiên nhìn nhận rõ những hạn chế trong khâu tổ chức sản xuất, ngoài những mong muốn hỗ trợ về cơ chế, chính sách, đầu tư, bản thân HTX cũng đã có những giải pháp nhằm thay đổi. Hiện nay, dù có 58 thành viên nhưng cơ bản diện tích vẫn manh mún, chủng loại không đa dạng, vì thế Ban giám đốc đã sắp xếp phân công các thành viên thành 6 nhóm, sẽ lên kế hoạch sản xuất, động viên bà con đảm bảo kế hoạch nhằm đa dạng chủng loại, để HTX nắm được về số lượng đầu ra, từ đó mới có thể ký kết hợp đồng cung cấp lâu dài. Muốn làm được điều này, trước hết phải thay đổi từ chính người dân trong tập quán canh tác, không trồng theo thị trường. Mối liên hệ giữa HTX với người nông dân phải chặt chẽ trong các khâu, cam kết việc cung cấp sản lượng, chủng loại. Tránh tình trạng khi được giá, nông dân bán cho các chủ buôn, giá thấp lại chuyển về HTX.

Theo ông Trần Tú Anh, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến rau quả. Để RAT có thể đến với tay người tiêu dùng, công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu thế nào là RAT cũng cần được quan tâm như: Các quy định trong sản xuất RAT cho người sản xuất, kinh doanh rau, kỹ thuật sản xuất theo VietGAP, thông tin những cơ sở sản xuất và kinh doanh RAT đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Ngành sẽ là cầu nối giúp sản phẩm RAT của các HTX đến với người tiêu dùng.

Thời gian tới, việc xây dựng chợ đầu mối nhằm tiêu thụ nông sản, hàng hóa đảm bảo VSATTP gắn với quy hoạch chợ nông thôn mới cũng sẽ được các địa phương nghiên cứu thực hiện. Các quầy, điểm kinh doanh RAT sẽ được đặt tại các vị trí thuận lợi trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Với điều kiện như hiện nay, việc đầu tư, đồng bộ công trình hạ tầng phục vụ sản xuất RAT rất cần thiết, gắn với chương trình nông thôn mới, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, hệ thống nhà điện, nhà sơ chế... cho sản xuất rau. Cùng với đó, các địa phương sản xuất, kinh doanh RAT cần được hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nguồn: baophutho.vn

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn