Hơn chục năm “ăn nhờ, ở đậu”
Gặp gỡ chúng tôi vào đúng dịp cuối tháng 7 - tháng của mùa mưa bão, lũ lụt. Đây chính là thời điểm để hàng chục người dân Tân Đức hồi ức về quãng thời gian khổ cực khi hàng trăm khẩu của 85 hộ dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” do mưa bão, nước lũ dâng cao, lở đất liên tiếp, dồn dập cuốn đi tất cả cơ nghiệp của họ…
![]() |
Diện tích đất thổ cư của 85 hộ dân xã Tân Đức đã bị thủy thần “nuốt” mất 16 năm nay nhưng hiện tại họ vẫn chưa được hưởng sự hỗ trợ do thiên tai |
Ông Nguyễn Đình Thuận, ở khu 4, xã Tân Đức năm nay đã 84 tuổi, bùi ngùi: “Gia đình tôi đông con, khi có hiện tượng lở đất, mỗi đứa chạy một ngả vì đã có gia đình riêng. Còn 2 vợ chồng tôi và con trai tôi dắt theo 2 đứa cháu nội lúc đó một đứa lên 6, một đứa lên 7. Xin ở nhờ nhà anh em, người quen hết nhà này đến nhà khác, cuối cùng cũng mượn tạm được mảnh đất trống của đứa cháu rể dựng lán ở tạm qua ngày!”.
Hoàn cảnh của gia đình ông Thuận khi đó chỉ là một trong hàng trăm hộ gia đình khác bị mất nhà mất đất. Vì họ chưa tìm được nơi lánh nạn nên đã kéo nhau lên bãi đất trống trước cửa UBND lập lán ở la liệt, lúc đỉnh điểm lên tới hàng trăm hộ (với khoảng 600 - 700 khẩu); một số hộ khác phải ở nhờ Nhà văn hóa xã, số còn lại làm lều lán ven trục đường bờ sông. Xã đã phải đào 4 chiếc giếng khoan lấy nước phục vụ các hộ dân nhưng vẫn không đủ, dân phải đi gánh nước ngoài sông để phục vụ sinh hoạt. Đói, thiếu điện, thiếu nước, thiếu thốn mọi bề, môi trường vệ sinh không đảm bảo… Người già ốm yếu, trẻ nhỏ nheo nhóc, cuộc sống của người dân khi đó lâm vào cảnh hoang mang, cùng cực, tạm bợ như một trại tỵ nạn trong suốt gần 1 năm trời.
Mất đất để tăng gia sản xuất, bà con phải bỏ đi làm thuê kiếm sống. Đáng buồn là có nhiều trường hợp các bác đã có tuổi 60-70 tuổi vẫn phải đi phụ hồ xây dựng rất vất vả mà lẽ ra ở tuổi đó họ có thể bám ruộng vườn sẽ nhàn nhã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Mất nhà thì còn cố gắng xây dựng nhà ở tạm trước mắt, nhưng mất đất thì tương lai lâu dài sẽ ra sao.
Muốn có đất ở thì phải mua?
Quay trở lại vấn đề sự cố sạt lở đất từ những năm 1998 - 2001, khi tình trạng sạt lở đất xảy ra ngày một nghiêm trọng, lãnh đạo xã Tân Đức (khi đó Tân Đức vẫn thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) đã khẩn trương báo cáo cụ thể với huyện và các cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện đã nhanh chóng vào cuộc… Huyện Ba Vì và tỉnh Hà Tây đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình các hộ dân Tân Đức bị thiên tai, thành lập Ban chỉ đạo tổ chức di dân khỏi vùng sạt lở xã Tân Đức, bàn khẩn trương các biện pháp tổ chức thực hiện việc di dân và đã lập Dự án di dân. Với tinh thần ưu tiên những hộ có hoàn cảnh khó khăn và thứ tự các hộ bị sạt lở từ ngoài vào trong và giải quyết được 350 hộ dân của Tân Đức di dân sang nội huyện và ngoại tỉnh, 85 hộ còn lại chưa được di dân phải tự thu xếp chỗ ở tạm với lý do không còn quỹ đất để giải quyết cho các hộ này và buộc họ phải chờ đợi.
Chờ mãi đến năm 2008, ngay sau khi xã Tân Đức được bàn giao về TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), lãnh đạo TP có làm việc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhận được kiến nghị của địa phương “Tạo quỹ đất để giải quyết cho 85 hộ lở mất đất thổ cư”. Sau buổi làm việc đó, UBND TP Việt Trì có văn bản số 83 (ngày 12/9/2008) Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Việt Trì tại buổi làm việc với UBND xã Tân Đức, trong đó có nội dung yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch sử dụng 28ha đất bãi thuộc xã Minh Nông (TP Việt Trì): “Giao phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với các phòng TN-MT, UBND xã Minh Nông và Tân Đức lập quy hoạch khoảng 10ha đất bãi thuộc xã Minh Nông (dự kiến quy hoạch từ 200-250 ô, mỗi ô 300m2) để cấp đất tự xây cho các hộ bị lở mất đất thổ cư thuộc xã Tân Đức và một số hộ thuộc xã Minh Nông. Yêu cầu lập và trình duyệt xong trước 30/10/2008 để xét duyệt cấp đất trong tháng 11/2008”.
Có thể nói, kết luận của Chủ tịch UBND TP Việt Trì như một “luồng gió mát” thổi vào lòng dân Tân Đức làm hạ bớt sức “nóng” của 85 hộ dân đang “mỏi mắt” đợi chờ nơi ở mới. Chủ trương đó tưởng rằng được cụ thể bằng hành động khi mà năm 2009, tại khu vực Bãi Hạ Bạn, P.Minh Nông, TP Việt Trì bắt đầu khởi công khu đất ở mới dành cho dân. Người dân Tân Đức háo hức, phấn khởi bởi sẽ “hứa hẹn” một khu đất mới cho các hộ dân xây nhà ở khi dự án này thành hiện thực. Dù tiến độ dự án chậm (diễn ra từ 2009 đến nay mới bắt đầu đi vào hoàn thiện) nhưng dân Tân Đức vẫn kiên trì chờ đợi. Thế nhưng, niềm mong mỏi, hy vọng lớn đó dường như đã bị “dập tắt” khi UBND TP Việt Trì có văn bản số 1989 về việc giao đất và đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực Bãi Hạ Bạn, P.Minh Nông gửi về xã Tân Đức. Theo đó, yêu cầu thành lập Hội đồng xét duyệt giao đất ở theo quy định, với số lượng và vị trí cụ thể, trong đó xã Tân Đức được quyền cấp 85 ô đất, còn 85 ô đất khác là của xã Minh Nông (TP Việt Trì). Kèm theo là quy định số tiền các hộ được xét giao đất phải nộp là 1,8 triệu đ/m2 (trong đó gồm tiền đất là 700.000 đ/m2; tiền GPMB, quy hoạch và xây dựng hạ tầng là 1,1 triệu đ/m2).
Văn bản này đã “vấp” phải phản ứng của 85 hộ dân trong cuộc họp các hộ dân có gia đình bị sạt lở đất. Họ cho rằng đây không phải là một chương trình di dân vùng sạt lở đất do thiên tai mà đây là một hình thức đi xin đất! Và giá tiền đưa ra là quá cao so với khả năng của họ. Được biết, mỗi ô đất được chia có diện tích khoảng từ 150 đến gần 200m. Vậy với mức giá TP đưa ra nhân với diện tích đất thì giá trị lên tới từ 300 - 400 triệu đồng.
Anh Cao Văn Hướng (khu 4) giãi bày: “ Bao nhiêu năm mất đất, mẹ con tôi phải đi ở nhờ hết nhà họ hàng, đến nhà người quen. Đợi chờ mãi để được Nhà nước hỗ trợ, song vì lâu quá mẹ con tôi cũng cố gắng vay mượn để mua một mảnh đất nhỏ, xây một căn nhà ở tạm. Không có vườn, không phát triển sản xuất được mà phải đi làm thuê. Làm không đủ ăn, không đủ trả nợ do vay mượn mua nhà đất ở tạm thì làm sao có tiền “mua” đất ở khu Hạ Bạn?
Không chỉ riêng anh Hướng, trong số 85 hộ gia đình bị sạt lở đất ở Tân Đức hiện nay, sau nhiều năm tháng chắt chiu, gom góp mua lấy chỗ ở tạm vẫn đang phải “cõng” thêm các khoản vay nợ mà chưa thể trả hết. Vậy thì làm sao họ có được số tiền vài trăm triệu đồng để được ra khu đất ở mới?. Băn khoăn của người dân Tân Đức rất đáng được chính quyền TP Việt Trì lưu tâm.
Nguồn: www.baoxaydung.com.vn
Đăng nhận xét