Nằm ở ngoại ô thành phố Việt Trì, Tân Đức được biết đến là địa phương có diện tích trồng rau an toàn lớn của thành phố, mang về thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên diện tích trồng rau an toàn phần lớn theo mùa, vì thế, nhiều năm qua chính quyền địa phương đã vận dụng nhiều cách làm, mở ra nhiều ngành phụ nhằm giúp bà con có thêm hướng đi mới, góp phần phát triển kinh tế địa phương và từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm tương Tân Đức ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Một trong những hướng đi mà người dân địa phương đang làm hiệu quả cao, đó là nghề làm tương, nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở địa phương. Trước đây, bà con chủ yếu làm tương để ăn hoặc biếu anh em họ hàng hay bán nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố. “Tiếng lành đồn xa”, không hiểu từ bao giờ mà tương Tân Đức ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Tương ở đây vẫn được làm theo lối thủ công, “cha truyền con nối” nên vẫn giữ được hương vị đậm đà, ngọt thanh. Các công đoạn làm tương đòi hỏi tỉ mỉ và cẩn thận, từ lựa chọn nguyên liệu đến ướp mốc, ngả tương.
Chia sẻ về bí quyết làm tương ngon, bà Nguyễn Thị Thêm, 77 tuổi trú tại khu 2, xã Tân Đức cho biết: Gạo làm tương 100% gạo nếp thơm; đỗ tương đều hạt, gạo, đỗ vo rửa kỹ trước khi đưa vào chế biến; ngâm ngả tương bằng nước lọc tinh khiết; các dụng cụ: Chum, vại, nong nia, chai, lọ, que quấy đảo… phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Hàng ngày, phải mở nắp chum, khuấy đều và cho thêm nước vào tương, trời nắng thì phơi, trời mưa thì phủ kín miệng bằng nilon để nước mưa không lọt vào làm tương sẽ bị ủng.
Theo bà Thêm, nghề làm tương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, trời càng nắng thì tương càng ngẫu và thơm. Thường thời xưa, tương chỉ làm được vào mùa hè, mùa đông không có nắng rất khó làm. Nhiều nhà làm được tương rất ngon vào mùa hè nhưng mùa đông chuyện đổ tương đi là bình thường. Nhờ kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều năm mà hiện nay nhiều hộ trong làng đã sản xuất được tương quanh năm mà vẫn đảm bảo về chất lượng.
Ban đầu chỉ có 1 - 2 hộ làm tương, sau đó, thấy nhu cầu khách hàng về sản phẩm tương ngày càng tăng nên nhiều hộ cũng tham gia sản xuất tương. Hiện địa bàn xã có hơn 10 hộ làm tương với quy mô trên 200kg gạo mỗi năm, Những năm gần đây, thị trường tương khá ổn định càng làm cho bà con nơi đây yên tâm sản xuất.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết giá tương thành phẩm được bán từ 30.000 đến 50.000/kg; thị trường tiêu thụ không những ở trong tỉnh, các tỉnh lân cận như Hà Nội, Vĩnh Phúc,... mà còn được “xuất khẩu” sang nước ngoài theo đường “xách tay” của những người con địa phương làm ăn xa quê.
Ông Đỗ Xuân Ngọc - Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: Tổng lượng sản xuất và tiêu thụ của địa phương đạt khoảng hơn chục tấn mỗi năm và ngày càng có xu hướng gia tăng. Nếu chất lượng đảm bảo thì thị trường tương những năm tới sẽ có nhiều khởi sắc và tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Ngọc cũng cho biết thời gian gần đây, địa phương đang tạo mọi điều kiện cũng như khuyến khích các hộ gia đình chủ động tìm kiếm thị trường, hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới thành lập làng nghề nhập vào Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Cùng với sản phẩm rau an toàn, nghề tương truyền thống đang là hướng đi mới cho phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và hướng tới xây dựng quê hương Tân Đức trở thành điểm đến hấp dẫn trong chương trình du lịch City Tour của thành phố.
Nguồn: baophutho.vn
Đăng nhận xét